Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Vướng mặt bằng tuyến tránh, đèo Con lỡ hẹn về đích
Chủ nhật, ngày 13/10/2019



Dù đã hết thời hạn thi công, nhưng đến nay dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua đèo Con vẫn chưa thể hoàn thành, đưa vào khai thác...

Dù đã quá thời hạn thi công nhưng vẫn còn 730m đường chưa được bàn giao mặt bằng

Hết hạn thi công vẫn vướng mặt bằng

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại dự án tránh đèo Con, đoạn qua địa phận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào giữa tháng 9/2019, dự án phần lớn đi qua khu vực đồi núi và cơ bản đã được đơn vị thi công hoàn thành. Các công nhân đang hoàn thiện những khâu cuối cùng như láng nhựa, gia cố hai bên lề ở một số đoạn nhỏ. Còn lại người và phương tiện có thể lưu thông dễ dàng trên tuyến.

Tính đến tháng 9/2019, giá trị khối lượng thực hiện của gói thầu đạt 262,8/295,3 tỷ đồng (89%). Trước vướng mắc về mặt bằng, Ban đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin gia hạn đến ngày 31/10/2019 với những đoạn có mặt bằng trước ngày 1/8/2019 và xin gia hạn đến ngày 30/11/2019 đối với các đoạn mặt bằng được giao sau ngày 1/8/2019. Riêng đoạn 730m qua xã Quảng Hợp, tính từ thời điểm có mặt bằng, đơn vị thi công phải mất 3 tháng để hoàn thành nếu thời tiết thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dự án 2, Ban QLDA 85

 

Tuy nhiên, vẫn còn 730m đoạn từ Km 588+500 - Km 589+230 (thuộc thôn Hợp Trung, xã Quảng Hợp) vẫn chưa có mặt bằng. Người dân dùng dây thép gai rào rừng, đất lại nên việc thi công vẫn chưa thể triển khai. Các phương tiện mỗi khi đi qua đoạn này đều phải vòng xuống đi đường đất công vụ đắp tạm.

Ông Đàm Quang Trung (49 tuổi, trú xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch) cho biết, mỗi lần qua thôn Hợp Trung đều rất bức xúc, bởi tuyến đường đã cơ bản hoàn thành cả 2 đầu, chỉ riêng đoạn này vẫn phải đi vòng đường đất. “Chỉ còn hơn 700m chưa hoàn thành, người dân phải đi đường đất đắp tạm; mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù mịt. Chưa kể, đường sá chưa lưu thông, việc giao thương buôn bán cũng gặp nhiều ảnh hưởng. Còn nếu vòng xuống QL1 xa thêm hàng chục km”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng dự án 2, Ban QLDA 85, Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Tháng 8/2017, khi đi bàn giao hệ thống cọc GPMB trên hiện trường cho địa phương, nhìn bốn bề núi rừng, chúng tôi đều cho rằng công tác GPMB chắc sẽ thuận lợi. Mặc dù kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu được duyệt là 18 tháng, nhưng trong quá trình đàm phán Ban QLDA 85 đã đề nghị và được các nhà thầu chấp thuận rút ngắn xuống 16 tháng. Không ngờ, đến nay thời hạn thi công (15/9/2019) đã kết thúc nhưng vẫn còn 730m chưa có mặt bằng”.

Cũng theo ông Long, 730m đoạn chưa có mặt bằng là đất rừng do 3 hộ dân trồng cây từ trước năm 2006. Tháng 9/2017, huyện Quảng Trạch có quyết định cấp bìa đất quyền sử dụng đất cho 14 hộ dân. Quá trình thực hiện GPMB huyện Quảng Trạch phải hủy các quyết định cấp đất cho 14 hộ dân cấp sai thẩm quyền. Hiện huyện đã thực hiện đền bù cho 3 hộ dân này, tuy nhiên 14 hộ dân bị hủy quyết định cấp đất đã rào và cản trở không cho thi công.

Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương

Cột mốc GPMB cắm từ lâu

Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm: “GPMB là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Ban QLDA 85 đã phối hợp, đồng hành cùng hội đồng GPMB trực tiếp vận động, tuyên truyền các hộ dân, tham gia các cuộc họp giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục. Đối với các đoạn có khối lượng lớn cần triển khai sớm, trên cơ sở phương án đền bù được hội đồng GPMB lập, Ban đã cùng hội đồng GPMB vận động các hộ dân cho triển khai thi công trước bằng cách cho ứng trước 50% số tiền”.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cũng cho biết, trách nhiệm chính về GPMB của dự án thuộc về chính quyền địa phương. Sở GTVT đã có nhiều văn bản (gần đây nhất là ngày 6/9/2019) tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch phối hợp với Ban QLDA 85 sớm tháo gỡ nhằm đảm bảo đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, sau khi huyện hủy các quyết định cấp đất cho 14 hộ dân và thực hiện đền bù cho 3 hộ dân trồng cây từ trước năm 2006, 14 hộ dân có đơn khiếu nại. Trước thực tế này, huyện đã thành lập 2 đoàn liên ngành, 1 đoàn xử lý đơn khiếu nại của 14 hộ dân theo Luật Khiếu nại tố cáo. Đoàn còn lại rà soát lại hệ thống đất rừng ở xã Quảng Hợp, sau đó bóc tách 29,8ha đất rừng của hộ dân khác, trình UBND tỉnh thu hồi và giao UBND xã quản lý rồi xã giao lại cho 14 hộ nói trên.

“Dự kiến, 20/10 đoàn xử lý khiếu nại sẽ kết thúc, nhưng chúng tôi đang chỉ đạo rút ngắn lại. Đoàn rà soát đất đai cũng đẩy nhanh tiến độ để sớm trình UBND tỉnh xin bóc tách đất để giao cho 14 hộ dân nói trên. Huyện sẽ cố gắng, khó mấy cũng phải làm để trong tháng 10/2019 bàn giao mặt bằng cho đơn vị thị công”, ông Đạt nói.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan