Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Vì sao chuyển 8 dự án cao tốc sang đầu tư công?
Thứ tư, ngày 20/05/2020



Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án và kéo giảm tổng mức đầu tư.

Trong bối cảnh dịch bệnh và nguồn vốn tín dụng ngày càng thắt chặt hơn, việc chuyển đổi 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công vừa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, vừa góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công... (Trong ảnh: Một đoạn tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan). Ảnh: Duy Lợi

8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam nếu chuyển đổi sang đầu tư công sẽ khởi công ngay trong tháng 8/2020, đảm bảo tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội và góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH. Ngược lại, ngân sách Nhà nước sẽ phải cấp thêm khoảng 44.493 tỷ đồng, khiến trần nợ công có thể gia tăng.

Tiếp tục làm PPP sẽ không đáp ứng yêu cầu của Quốc hội

Cuối tuần qua, Chính phủ đã gửi tờ trình đến Quốc hội đề nghị xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công.

Ngay khi có thông tin này, đã có không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí một số ĐBQH còn lật lại vấn đề: Năm 2017, khi Quốc hội thảo luận để quyết định chủ trương đầu tư đã có những lo lắng về vốn nhưng cơ quan trình dự án lý giải rất thuyết phục về sự cần thiết đầu tư 8 dự án PPP.

Giờ đây, Chính phủ trình lại chủ trương chuyển sang đầu tư công 8 dự án này. Ba năm trước, ngân sách khả quan thì làm PPP, nay khó khăn hơn sao lại dùng ngân sách?

Trước những ý kiến này, trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, ngay tại thời điểm trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án năm 2017, Chính phủ đã nhận diện rõ những khó khăn về việc huy động nguồn vốn tín dụng.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước VN phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý.

Thế nhưng, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp khả thi, thậm chí nguồn vốn tín dụng cho vay trung hạn và dài hạn ngày càng thắt chặt hơn đối với 8 dự án PPP do các quy định về đảm bảo ổn định chính sách tiền tệ, hệ số an toàn vốn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hệ thống tín dụng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hiện nay, 8 dự án PPP đã hoàn thành công tác sơ tuyển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trúng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh trong huy động vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ vốn tín dụng trong tổng mức đầu tư dự án rất lớn.

“Nếu tiếp tục triển khai bằng hình thức PPP, theo kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, trường hợp đấu thầu thành công, sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư trong tháng 11/2020, đàm phán và ký hợp đồng trong tháng 12/2020.

Nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng. Trường hợp thuận lợi, đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được tín dụng và bắt đầu triển khai thi công, do đó không thể hoàn thành cơ bản các dự án vào năm 2021 theo yêu cầu tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trường hợp 6 tháng nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Khi đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc phải thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, nên có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

“Việc chuyển đổi 8 dự án này sang đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết để có thể khởi công ngay từ tháng 8/2020, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và sớm hoàn thành mục tiêu đưa 2.000km cao tốc trong cả nước vào sử dụng theo yêu cầu tại Nghị quyết 13/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Được nhiều hơn mất

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc gói thầu xây lắp số 01 qua huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) do Binh đoàn 11, Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) đang thi công. Ảnh: Duy Lợi

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, khi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam được cấp thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, không chỉ tiến độ triển khai được đẩy nhanh mà còn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cầu cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Hơn nữa, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án và kéo giảm tổng mức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ 118.716 tỷ đồng (Nghị quyết 52/2017) xuống còn 99.493 tỷ đồng (giảm 19.223 tỷ đồng) do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Việc chuyển đổi hình thức đầu tư, sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước đối với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước đang tập trung mọi giải pháp để duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 là rất cần thiết, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, góp phần tác động lan tỏa, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong trung và dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bên cạnh tác động tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án này cũng có những hạn chế. Trước tiên, dự án phải sử dụng nhiều hơn vốn đầu tư công. Bởi, ngoài số vốn 55.000 tỷ đồng đã được bố trí trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, dự án cần thêm 44.493 tỷ đồng vốn ngân sách.

Hơn nữa, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên QL1 và các tuyến song hành do các phương tiện sẽ lựa chọn đường cao tốc để lưu thông nếu không phải trả phí…

Cho rằng trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 và nguồn vốn tín dụng cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng ngày càng thắt chặt, việc chuyển đổi chủ trương đầu tư một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công là cần thiết, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lưu ý thêm: “Số lượng dự án được chuyển đổi là toàn bộ 8 hay 5 hoặc bao nhiêu, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định”.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đẩy nhanh đầu tư công là giải pháp quan trọng để chống đỡ với dịch Covid-19, giải ngân càng nhiều thì thành tố đầu tư trong GDP càng tăng lên.

Dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sớm bao nhiêu sẽ tác động tốt bấy nhiêu. Chính phủ đã rà soát tất cả các điều kiện đều làm được thì mới trình Quốc hội.

Về nguồn vốn cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam khi chuyển đổi sang đầu tư công, ông Phương cho biết, sẽ bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nhiệm kỳ sau và hoàn toàn khả thi.

“Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã bố trí 55.000 tỷ đồng không thể tiêu hết. Còn 5 năm tới, cho dù Covid-19 có diễn biến thế nào, thì vốn đầu tư công trung hạn vẫn bằng 5 năm trước là 2 triệu tỷ đồng, bố trí hơn 44.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam là hoàn toàn khả thi”, ông Phương nhận định.

Xây dựng phương án thu hồi vốn Nhà nước

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam nếu được chuyển sang đầu tư công, sau khi hoàn thành, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi phần vốn Nhà nước.

Mặc dù việc thu hồi vốn chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan