Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Vết nứt hầm Hải Vân do bê tông co ngót
Thứ năm, ngày 26/10/2017



Hôm qua (25/10), trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước...
 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra đoạn vết bong tróc sơn bị nhầm là vết nứt nếu không quan sát kỹ

Hôm qua (25/10), trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, các vết nứt tại hầm đường bộ Hải Vân là do bê tông co ngót và không gây nguy hiểm đến kết cấu của vỏ hầm.

Vệt nứt kéo dài là lớp sơn bị lão hóa, bong tróc

Theo ông Chủng, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nứt vỏ hầm Hải Vân xuất phát từ sức chịu lực kéo kém của lớp bê tông vỏ hầm. Hầm Hải Vân được các nhà thầu Nhật Bản thi công bằng công nghệ NATM, kết cấu lớp vỏ hầm bằng bê tông. “Về mặt nguyên lý, bản chất của bê tông là loại vật liệu chịu lực nén rất tốt nhưng khả năng chịu lực kéo lại kém. Do vậy, bê tông sẽ bị giãn ra khi nóng và co lại khi lạnh. Qua kiểm tra, các vết nứt tại hầm Hải Vân hiện nay đều không quá 0,3mm do sự biến đổi nhiệt, khiến bê tông bị co giãn. Tôi khẳng định, các vết nứt này hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu của hầm và nằm trong tầm kiểm soát của Bộ GTVT và nhà đầu tư”, ông Chủng cho biết thêm.

Đề cập đến một số thông tin, hình ảnh được các phương tiện đăng tải cho rằng, nhiều vị trí trong hầm Hải Vân bị nứt rộng 3-5cm, ông Chủng nói: “Quả thật, các hình ảnh đăng tải nhìn rất kinh khủng, nhưng thực chất đó là lớp sơn epoxy phủ bên ngoài bê tông vỏ hầm bị lão hóa, bong tróc khiến nhiều người lầm tưởng đó là các vết nứt của vỏ hầm”.

"Đặc thù của hầm Hải Vân là lớp vỏ bê tông hầm không phải là lớp kết cấu chịu lực, mà là kết cấu chịu nén, mang tính đảm bảo mỹ quan cho hầm. Do đó, với hiện trạng vết nứt được khảo sát, quan trắc kỹ lưỡng hiện nay, hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn của hầm”.

Ông John Clifford Beckett
Tư vấn giám sát dự án

Theo ông Chủng, lớp sơn epoxy chỉ có tuổi thọ khoảng 5 năm, đến nay, hầm Hải Vân đã đưa vào sử dụng 12 năm nên xuất hiện các vệt sơn bị bong tróc là đương nhiên. “Để đảm bảo mỹ quan, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 (mở rộng hầm Hải Vân 2), nhà đầu tư sẽ tiến hành thay thế lớp sơn epoxy bằng gạch men giống như tại dự án hầm Đèo Cả. Việc sửa chữa hầm Hải Vân 1 giống như chữa bệnh, tức là phải điều trị trên cơ sở căn nguyên, chứ không chữa theo triệu chứng”, ông Chủng chia sẻ.

Tại buổi họp báo vào hôm qua (25/10), trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc nổ mìn thi công ống hầm Hải Vân 2 có ảnh hưởng đến kết cấu của hầm Hải Vân 1, ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả khẳng định, việc nổ mìn thi công ống hầm thứ hai chắc chắn có ảnh hưởng đến ống hầm thứ nhất.

Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng, ông Mai nói: “Trước khi triển khai thi công ống hầm thứ hai, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, khi thực hiện công tác nổ mìn phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho ống hầm thứ nhất. Thực tế, từ tháng 12/2016 đến nay, các nhà thầu đã thực hiện hơn 400 lượt nổ mìn. Tất cả đều được quan trắc, giám sát chặt chẽ và đảm bảo yêu cầu không gây nguy hiểm cho kết cấu của ống hầm thứ nhất”.

Cụ thể, theo ông Mai, về ảnh hưởng của rung chấn, theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định, rung chấn không được vượt quá 36mm/s. Độ rung chấn đo được trong các lượt nổ mìn ở hầm Hải Vân do đơn vị độc lập là Trung tâm Kỹ thuật nổ mìn thuộc Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam thực hiện đều chỉ bằng khoảng 50 - 60% giới hạn cho phép. “Chúng tôi cũng tiến hành quan trắc, giám sát rất chặt chẽ về ảnh hưởng của công tác nổ mìn đối với các vết nứt từ trước. Tại các vị trí nổ mìn, hàng ngày chúng tôi đều quan trắc độ mở rộng và chiều dài vết nứt và nhận thấy rằng, tất cả các vết nứt đều không xuất hiện bất cứ thay đổi nào so với trước kia. Tức là ảnh hưởng của công tác nổ mìn không gây ra sự bất lợi nào cho kết cấu hầm Hải Vân 1”, ông Mai nói.

Giữ nguyên hiện trạng vỏ hầm để tiếp tục theo dõi

Trong một diễn biến khác, chiều qua (25/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra hiện trạng một số vết nứt, bong tróc lớp sơn vỏ bê tông hầm đường bộ Hải Vân.

Trực tiếp kiểm tra hiện trường, PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN nhận định, bên cạnh một số vết nứt đã được đánh số, theo dõi, có nhiều vị trí xuất hiện các vệt màu đen, bong tróc (rộng khoảng 1-3cm). Nếu không nhìn kỹ hoặc quan sát thoáng qua, người đi đường sẽ nhầm tưởng là vết nứt hầm. Nhưng các kết quả kiểm tra cho thấy đây là vết bong tróc sơn vỏ hầm.

Đại diện chủ đầu tư dự án kiến nghị Bộ GTVT cho phép được tiến hành khắc phục, sơn phủ lại toàn bộ vỏ hầm theo quy trình duy tu, bảo dưỡng. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo giữ nguyên trạng, không sơn lại vỏ hầm để tiếp tục theo dõi, quan trắc, đánh giá các diễn biến liên quan đến vỏ hầm, hiện trạng nứt vỏ hầm.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đây là đợt kiểm tra thường xuyên công tác vận hành, quản lý hầm Hải Vân (hiện hữu) và công tác triển khai giai đoạn 2 mở rộng. Trước đó, đầu tháng 10/2017, Bộ GTVT cũng tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá hầm Hải Vân cùng với đầy đủ các đơn vị chức năng, chuyên gia. Các báo cáo khoa học, kỹ thuật và kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, vết nứt xuất hiện cục bộ một số vị trí hầm Hải Vân không ảnh hưởng đến an toàn vận hành của hầm.

Thứ trưởng Thọ yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi nghiêm ngặt, công khai thông tin liên quan đến vỏ hầm Hải Vân. “Nhà đầu tư phải cử một tổ thường xuyên và liên tục theo dõi vết nứt này trên toàn diện của hầm. Về phía Bộ GTVT, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ cử một số chuyên gia, đoàn công tác độc lập để khảo sát, đánh giá về hiện tượng này”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan