Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Trắng đêm tăng tốc hoàn thiện cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Thứ sáu, ngày 19/05/2023



Hàng loạt mũi thi công tăng ca, kíp, làm xuyên đêm hoàn thiện hạng mục cuối cùng trước ngày thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào 19/5.

Thiết bị điện ở hầm Dốc Sạn được đơn vị thi công khẩn trương lắp đặt

Đêm cuối của những “đêm trắng”

Gần 23 giờ đêm 17/5, PV theo xe kỹ sư trẻ Nguyễn Quang Hiếu lướt trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm về hầm Dốc Sạn - hạng mục cuối cùng đang được hoàn thiện. Chẳng bao lâu, cửa hầm đã hiện ra với 2 ống vòm ánh sáng. Trong hầm, hệ thống đèn được bật với ánh sáng màu vàng dịu mắt.
Lúc này, các tốp công nhân trên giàn giáo cao khoảng 7m miệt mài hoàn thiện các công tác áp sát trần hầm để lắp ráp hệ thống điện. "Thức nốt đêm nay nữa, mai cơ bản là xong hết, các phần việc còn lại trên tuyến chính cao tốc sẽ làm trong ngày 18/5. Mệt nhưng vui vì công trình đã cận kề vạch đích", anh Hiếu cười nói.

Kỹ sư Đặng Bảo Khánh, năm nay 34 tuổi, quê ở Đông Hà, Quảng Trị, người phụ trách thi công toàn bộ hệ thống điện trong hầm Dốc Sạn cũng như toàn tuyến cao tốc cho biết, hiện, chỉ còn lắp ráp hoàn thiện một số thiết bị. Đơn vị đã chia thành 4 bộ phận làm thâu ngày, thâu đêm. Mọi người đã cam kết với lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải phải hoàn thành sớm trước ngày thông xe cao tốc.

“Chinh chiến” tại các tuyến cao tốc ở Ninh Bình, Nghệ An... nhưng với anh Khánh, khoảng thời gian làm cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vẫn là những năm tháng đầy ắp kỷ niệm. Nam kỹ sư chia sẻ: Công nhân cầu đường quanh năm bám công trình. Bản thân anh lấy vợ gần 3 năm nhưng thời gian ở bên nhau chỉ đếm từng ngày.

"Không phải dễ gì cao tốc đẩy nhanh tiến độ như hiện nay, mọi công tác phải tập trung tối đa. Anh em liên tục tăng ca, kíp. Ngay bản thân tôi cũng làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày, nhiều lúc cũng muốn nghỉ nhưng nhìn công trình chạy đua về đích, chúng tôi dặn nhau quyết tâm để góp dấu vân tay của mình trong đó”, anh Khánh tâm sự.
Ở giữa hầm, trên đường dẫn ngang nối giữa 2 đường hầm, các công nhân tháo dỡ những mối cốp pha cuối cùng. Tiếng máy cắt rền vang, ánh lửa hàn đỏ rực khiến khuôn mặt Dương Công Toản (sinh năm 1986, nhà ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình, là người phụ trách kỹ thuật thi công hầm Dốc Sạn) như rạng rỡ.

Anh chia sẻ bản thân mình đã có nhiều năm làm hầm đường cao tốc miền Bắc và nhiều tỉnh miền Trung, nhưng hầm đường bộ Dốc Sạn là một trong những đường hầm thi công khá tốn công sức và thời gian. “Sau nhiều ngày làm xuyên đêm, đến nay, mọi việc đã gần như hoàn thành, anh em trong đội thi công quyết tâm hoàn thành đường dẫn này trước ngày thông xe”- Toản cho hay.

Đêm tối, những vệt sáng từ hầm Dốc Sạn xuyên núi trên địa bàn xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) tạo thành một điểm nhấn hạ tầng quan trọng trên tuyến cao tốc Nha Trang-Cam Lâm.

Hầm có chiều dài gần 1500m, với 2 ống hầm song song. Nhớ những ngày đầu thi công, gói thầu này được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, 2 mũi thi công gia cố mái, cửa hầm để đào thông từ tháng 5/2022, vượt tiến độ 1 tháng so với mục tiêu đề ra.

Đáp ứng tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật công trình

Ghi nhận PV những ngày qua, các hạng mục phụ trợ như: lắp đặt hộ lan, biển báo, tiêu phản quang, kẻ vạch đường…đã hoàn thành. Tại hầm Dốc Sạn, duy nhất của hạng mục xây dựng chỉ là một khối lượng nhỏ thảm bê tông nhựa trong đường hầm đang được thi ông. Còn lại, việc lắp đặt hệ thống điện trong hầm, hệ thống điện, cột đèn trên tuyến đang được bộ phận thi công huy động 5 tổ, với hàng trăm công nhân cùng “hợp đồng tác chiến”.
Anh Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) không dấu được niềm vui khi nói với PV Báo Giao thông: “Nhiều hạng mục phụ anh em kỹ sư, công nhân đã thi công đêm ngày để hoàn thành, khối lượng công việc còn lại không lớn nên đơn vị thi công đã khẳng định chắc chắn thông xe vào dịp Sinh nhật Bác 19/5. Từ lãnh đạo cho đến anh em công nhân ai cũng nỗ lực trên 100% sức lực của mình và hồ hởi chờ đón ngày thông xe cao tốc này”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nói: Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà đánh giá rất cao sự nỗ lực quyết tâm của Tập đoàn Sơn Hải đã vượt trước tiến độ hơn 3 tháng, chất lượng, mỹ thuật của công trình đảm bảo và bảo hành trong 10 năm. Đây được xem là công trình tiêu biểu về áp dụng công nghệ mới trong thi công, đảm bảo chất lượng và tính hiện đại.
Lãnh đạo Khánh Hòa cũng cho biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM ra Nha Trang, phục vụ tốt cho du lịch địa phương, đồng thời giảm tải cho QL1, đảm bảo ATGT trên địa bàn.

Đây cũng là tuyến cao tốc tiên phong hoàn thành, đưa vào khai thác trên địa bàn. Cùng với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Khánh Hòa đang được đầu tư, xây dựng các đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vân Phong - Nha Trang. Ngoài ra, dự kiến tháng 6/2023, Khánh Hòa triển khai cao tốc phía tây là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. "Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng trong việc tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội, đổi thay bộ mặt địa phương", lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài gần 50km, khởi công hồi tháng 9/2021, theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư.

(Theo Báo Giao thông)

 

 

Tin liên quan