Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

QL1 qua Quảng Ngãi: Khan hiếm vật liệu làm khó nhà thầu
Thứ tư, ngày 03/06/2015



Dự án BOT QL1 Quảng Ngãi khan hiếm vật liệu đá, cấp phối đá dăm bị đội giá.

“Sốt ruột" vật liệu đá

Mỗi ngày, 40 xe ben của Công ty TNHH BOT Thiên Tân - Thành An, nhà đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng QL1 bằng hình thức BOT tại Quảng Ngãi (đoạn Km 1063+877 - Km 1092+577) ngược xuôi nhập từng khối cấp phối đá dăm. Thay vì đến các mỏ trên địa bàn, các xe này phải ra tận khu vực Chu Lai, Núi Thành (Quảng Nam) cách dự án hàng chục cây số đặt mua đá.

Từ sáng sớm, tại các mỏ Suối Mơ, Hưng Long, Vinaconex đã có hàng chục xe xếp hàng chờ đến lượt “hứng” đá. “Đá xay, nghiền đến đâu là mình phải lao xe vào đến đó, chẳng kịp chờ đá tập kết ra bãi. Không xếp hàng sớm, khó đến lượt”, anh Minh, tài xế xe ben thuộc đội vận tải của nhà đầu tư Thiên Tân nói.

Khảo sát giá các loại đá cấp phối thời gian qua tăng đột biến. Mỗi khối dao động 210-220 nghìn đồng (tăng 50-60 nghìn đồng/m3 so với thời điểm trước). Theo ông Trần Ngọc Thụy, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thiên Tân - Thành An, cực chẳng đã đơn vị phải “cắn răng”, bù chi phí để chủ động nguồn cung ứng đá tại Quảng Nam. Đơn giá dự toán chỉ khoảng 160-170 nghìn đồng/m3 cấp phối đá dăm, nhưng nay các mỏ đều tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, việc tăng chiều dài đường vận chuyển khiến mỗi khối đá tăng thêm 30 nghìn đồng.

Theo ông Thụy, khi xây dựng hồ sơ dự án, tư vấn thiết kế đã khảo sát đưa vào bốn mỏ cung cấp đá trên địa bàn. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, hầu hết các mỏ này đều không đáp ứng đủ chất lượng, số lượng. Riêng mỏ đá cây số 9 (QL24) đáp ứng một số tiêu chí cũng chỉ cho lớp cấp phối bên dưới. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhà thầu, các đơn vị thi công phải linh hoạt tìm kiếm hợp đồng các mỏ đá khu vực Chu Lai. “Mục tiêu đến 30/6, đơn vị phải hoàn thành hạng mục cấp phối đá dăm, tập trung thảm bê tông nhựa. Với khối lượng 26 nghìn khối còn lại, trung bình mỗi ngày đơn vị phải tập kết trên dưới 1 nghìn khối cấp phối”, ông Thụy nói và cho biết thêm, việc tăng giá và đội chi phí vận chuyển hiện nay, đơn vị chịu áp lực không nhỏ vì phải bù lỗ lớn.

Ông Dương Thanh Hồng, Giám đốc Ban QLDA QL1 BOT Thiên Tân - Thành An cho hay, với tổng khối lượng 66 nghìn m3 đá dăm cho cả dự án, chúng tôi phải bù số tiền chênh lệch so với dự toán lên đến 4-5 tỷ đồng.

Gỡ vướng

Đại diện Ban QLDA ATGT (Bộ GTVT, đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho hay: “Đơn vị đã có tờ trình Bộ GTVT để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, nhà thầu về vật liệu đá, trước tình trạng khan hiếm, “cháy hàng”, đội giá chi phí cấp phối hiện nay”.

Còn lãnh đạo nhà đầu tư BOT Quảng Ngãi nhận định, bình thường với tiến độ theo hợp đồng vào cuối tháng 12/2015 hoàn thiện, các mỏ này đã khó đáp ứng. Nay, Bộ rút ngắn tiến độ thi công, áp lực nguồn vật liệu càng tăng.

Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) kiến nghị cần xem xét trách nhiệm các đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát trường hợp các mỏ đá phục vụ dự án do “độ chênh” quá lớn giữa khảo sát và năng lực thực tế.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thực trạng khan hiếm nguồn vật liệu đá, cấp phối không chỉ riêng Quảng Ngãi mà nhiều dự án QL1 tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam… Với BOT QL1 Quảng Ngãi, Bộ đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA ATGT, nhà đầu tư có tờ trình, báo cáo cụ thể về thực trạng trên, nguyên nhân, các giải pháp để Bộ xem xét, sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cự ly vận chuyển, đơn giá nguồn cấp phối đá dăm.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan