Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Mặt bằng, đất đắp cản tiến độ cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong
Thứ hai, ngày 29/05/2023



Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đã thi công nhưng thiếu nguồn đất đắp đường công vụ, chưa có cát để xử lý nền đất yếu.

Nhà thầu khoan núi để thi công cao tốc tại khu vực Đông Hoà tỉnh Phú Yên

Theo Ban Quản lý điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, sản lượng thi công của tuyến cao tốc đến nay đạt trên 124 tỷ đồng. Các nhà thầu đã triển khai 32 mũi thi công, với 215 xe máy thiết bị, 154 kỹ sư và 451 công nhân thi công trên 2 gói thầu của dự án.
Tổng công ty Xây dựng số 1 - CC1 triển khai thi công tại gói thầu XL02 đã huy động hàng chục kỹ sư, công nhân và thiết bị để triển khai 3 mũi thi công đường công vụ, móng trạm trộn bê tông, nhà điều hành; dọn dẹp phát quang, đào hữu cơ tuyến chính.

CC1 cũng đã triển khai khoan cọc nhồi, gia công cốt thép, nghiệm thu ống vách, hạ ống vách để đổ bê tông cọc C5 của trụ T1, cọc C3 mố M2 của một cầu trên tuyến.

Quyết liệt nhất là Công ty Cổ phần Trung Nam 18. Nhà thầu này đã huy động đến công trường 59 cán bộ kỹ thuật, 231 công nhân lao động và 64 xe máy các loại để thi công tại gói thầu XL02.

Tại nút giao Hoà Lâm, Công ty Cổ phần Trung Nam 18 đã đổ bê tông xong 6 cọc khoan nhồi, tuy vậy nhiều điểm tại nút giao này vẫn chưa có mặt bằng để thi công.
Trên cầu Đà Rằng - cầu lớn nhất trên tuyến, Công ty Cổ phần Trung Nam 18 đổ xong 53 cọc khoan nhồi. Cùng với đó là triển khai thi công cầu Bàn Thạch, cầu vượt ngang đường tỉnh 645.

Theo Ban điều hành dự án, các nhà thầu đã huy động các mũi thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu theo tiến độ bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, cũng còn một số nhà thầu chưa huy động đủ mũi thi công như Công ty Tự Lập (1 mũi để thi công cầu Sông Ván); Công ty Miền Trung (1 mũi để thi công đường).

Bên cạnh đó, kết quả sản lượng thi công chưa đáp ứng yêu cầu còn do chưa có nguồn vật liệu đất đắp đường công vụ, chưa có cát để xử lý nền đất yếu.

Theo khảo sát, tổng nhu cầu vật liệu của dự án, về đá khoảng 2,47 triệu m3; cát khoảng 2,1 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 7 triệu m3.

Hiện nay đã xác định được vị trí các mỏ khoáng sản để khai thác, trữ lượng và chất lượng đảm bảo nhu cầu; công suất khai thác không đáp ứng được nhu cầu theo tiến độ thi công; các nhà thầu vẫn đang phải triển khai các thủ tục để xin cấp phép khai thác trực tiếp theo cơ chế đặc thù…

Bước đầu các nhà thầu đã tiếp cận được nguồn cát của các mỏ đang khai thác nhưng trữ lượng hạn chế. Dự kiến, trong tuần tới UBND tỉnh Phú Yên cấp phép mỏ cát Phước Vĩnh Đông, mỏ đất Phú Ân (đã cấp phép mỏ Hóc Thuần), nguồn vật liệu đắp sẽ được cải thiện.
Đối với công tác GPMB, địa phương đã bàn giao 42,74/48,05km (đạt 88,95%). Tuy nhiên thực tế nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 27,3 đạt 56% do mặt bằng còn xen kẽ, không liên tục.

Nguyên nhân chủ yếu là đất chưa quy chủ, công tác phê duyệt chi trả chậm và một số ít có khiếu nại về đơn giá, số liệu kiểm đếm đền bù... tập trung nhiều nhất là thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An.

 

Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong có chiều dài 48,05km nằm trọn trong địa phận tỉnh Phú Yên. Trên tuyến có 5 nút giao liên thông; 32 công trình cầu (23 cầu tuyến chính, 1 cầu vượt trực thông, 8 cầu trong nút giao); 01 công trình hầm đường bộ dài 1.020m; 46 hầm chui; 12km đường gom; 246 cống ngang.

Dự án do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án là trên 10.773 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp, thiết bị trên 7.861 tỷ đồng; chi phí GPMB trên 1.325 tỷ đồng.

(Theo Báo Giao thông)

Tin liên quan