Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Lịch sử phát triển

 

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (trước ngày 1/10/2022 là Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông) tiền thân là Cục Kiến thiết cơ bản được thành lập ngày 9/10/1961 tại Nghị Định 160-CP của Hội đồng Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý các Ban cơ sở và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trong việc quản lý chất lượng, tiến độ và giá thành xây dựng của các công trình giao thông.

Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Quản lý đầu tư xây dựng gắn chặt với sự phát triển không ngừng và lịch sử vẻ vang hào hùng của ngành Giao thông vận tải.

Trong giai đoạn những năm đầu mới thành lập (năm 1961-1964), đây là thời gian Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa khôi phục, phát triển kinh tế với nhiệm vụ “củng cố miền Bắc để chi viện cho miền Nam”. Cục Kiến thiến cơ bản (KTCB) là một trong những đơn vị tham mưu chính cho Lãnh đạo ngành GTVT, hoàn thành vẻ vang và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lớn nhất của Ngành GTVT lúc bấy giờ là : “Khôi phục lại hệ thống giao thông đã bị phá hoại trong kháng chiến chống Pháp, để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam”. Toàn Ngành đã dồn sức người, sức của để khôi phục, sữa chữa, làm mới mạng lưới GTVT. Với những kết quả đạt được như: Năm 1962, Quốc lộ 2 (Hà Nội-Hà Giang) được Bộ GTVT nâng cấp, đồng thời khởi công mở tuyến Hà giang-MèoVạc dài trên 150km và mở đường mới Lào Cai-Mường Khương; Ở Cao Bằng Quốc lộ 3 được sửa chữa nâng cấp nối thông về Bắc Cạn, Thái Nguyên; Năm 1963 làm đường Cao Bằng-Pắc Bó. Ở Quảng Ninh Quốc lộ 18 được khôi phục; Trong thời kỳ này Ngành cũng đã bước đầu cho xây dựng một số cầu vĩnh cửu như : cầu Đoan Vỹ (bê tông cốt thép lắp ghép đầu tiên) trên Quốc lộ 1 (năm 1963); cầu Phù Lỗ (bê tông dự ứng lực đầu tiên) trên Quốc lộ 3; cầu Kim Bôi (bê tông cốt thép) trên đường chiến lược 12B phục vụ An toàn khu của Trung ương ở Hòa Bình; Khánh thành cầu Hàm Rồng vào ngày sinh nhật Bác 19/5/1964.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5/8/1964) đế quốc Mỹ ngang nhiên dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, tập trung máy bay, tàu chiến đánh phá ác liệt hệ thống giao thông vận tải nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào chiến trường miền Nam, khoảng 70%-80% số bom đạn địch ném xuống là nhằm vào các mục tiêu GTVT. Chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và chi viện cho giải phóng miền Nam, công tác bảo đảm GTVT đã trở thành một nhiệm vụ chiến lược, mang tính sống còn đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc bấy giờ. Đây là thời kỳ đầu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Ngành GTVT kể từ khi thành lập. Thời kỳ này, những cán bộ công nhân viên chức của Ngành GTVT nói chung và của Cục KTCB nói riêng đã được tôi luyện trong mưa bom, bão đạn, khói lửa chiến tranh, hy sinh xương máu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của Ngành GTVT mà Đảng và Bác Hồ giao phó. Cùng với nhân dân các địa phương và lực lượng vũ trang bám trụ kiên cường và ứng cứu đảm bảo GTVT với tinh thần và quyết tâm “Tất cả vì tiền tuyến”. “Gãy cầu như gãy xương, đứt đường như đứt ruột”. “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. “Đơn vị là quê hương, cầu đường là trận địa”. “Địch phá ta sửa, ta đi. Địch lại phá ta lại sửa, ta đi”. “Địch phá ta cứ đi”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Ngành GTVT Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, góp phần quan trọng vào chiến thắng oanh liệt của Dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Ngành GTVT là một trong các đơn vị luôn đi đầu trong cuộc kháng chiến của dân tộc với quyết tâm: tất mọi con đường, mọi cây cầu ...đều thẳng tiến ra tiền phương; Với phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, lớp lớp đội ngũ cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong... Ngành GTVT, với niềm tin sắt đá, ý chí kiên cường, sự dũng cảm, trí thông minh, sức sáng tạo, đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân để chiến thắng vũ khí hiện đại và bom đạn của giặc Mỹ, viết lên bản anh hùng ca đặc biệt của ngành GTVT, là bài ca về con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Dù quân thù có trút hàng triệu triệu tấn bom trên dãy Trường Sơn và miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng không lay chuyển được ý chí những con người đi mở đường, phá núi, không ngăn chặn nổi sự vươn xa của đường mòn Hồ Chí Minh, con đường khát vọng của cả một dân tộc.

Ngày nay những người con của Ngành GTVT có thể tự hào rằng, tiếng Đại thắng mùa xuân 1975 đến đâu, tiếng về đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đến đó. Tiếng về đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đến đâu. Những người con của ngành GTVT cũng có một phần vinh dự đến đó.

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước (30/04/1975). Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: “Độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Cùng với nhân dân cả nước, các lực lượng Ngành GTVT bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước. Khẩu hiệu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” trở thành phong trào thi đua khắp toàn ngành lúc này. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, với nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT ngày càng lớn, Bộ GTVT đã tiến hành điều chỉnh tổ chức để phù hợp nhiệm vụ mới. Năm 1983, Cục KTCB được chuyển thành Vụ xây dựng cơ bản (XDCB). Tháng 12/1992, Vụ XDCB chuyển thành Trung tâm Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông (QLCL CTGT).

Từ năm 1994, nhiều công trình xây dựng giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới trong đó có nhiều công trình sử dụng nguồn vốn vay tín dụng của các nước và tổ chức quốc tế (vốn ODA). Để tăng cường hiệu quả đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình, ngày 28/4/1994 tại quyết định số 561/QĐ-TCCB-LĐ của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Giám định và QLCL CTGT được thành lập.

Từ năm 2008, trước yêu cầu tình hình mới, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý xây dựng và chất lượng đối với các dự án xây dựng giao thông do Bộ GTVT quản lý và quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước. Ngày 31/12/2008 tại Quyết định số 34/2008/QĐ-BGTVT, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông được thành lập.

Với vai trò và chức năng của mình Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã thực thi nhiệm vụ góp phần giúp Ngành GTVT lập nên nhiều thành tích mới bằng những công trình chất lượng, Hoàn thành và triển khai xây dựng  trên 7.000km đường quốc lộ, 80.000km đường tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn, 700km đường sắt được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới; hơn 10 cảng biển được nâng cấp; các tuyến đường sắt, đường thủy được cải tạo; gần 20.000 chiếc cầu được xây dựng.

Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2000, với sự tham gia của Cục trong quản lý đầu tư xây dựng, nhiều dự án xây dựng giao thông đã được triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả cao như: Cầu Đò Quan, cầu Mỹ Thuận, cầu Gianh, cầu Phú Lương, Hầm hải Vân, Quốc lộ 5 (km47-km62 và km77-km102), Quốc lộ 1 (Thanh Hóa - Vinh; Vinh - Đông Hà…), Quốc lộ 183, Nút giao thông nam Chương dương - Hà Nội, 2 tuyến Đường thủy phía Nam…

Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005, Cục đã có nhiều đóng góp quan trọng để ngành GTVT tiếp tục triển khai nhiều công trình giao thông có ý nghĩa mang tầm vóc lớn của đầu thế kỷ 21, như:  Cầu bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cầu Cần Thơ, cầu Phù Đổng, Quốc lộ 6 (Hòa Bình - Sơn La), Quốc lộ 10, Quốc lộ 18, Đường Hồ Chí Minh, QL1 (đoạn Cần Thơ - Năm Căn; đoạn Hà Nội - Lạng Sơn), cảng Tiên Sa, cảng Cái Lân, Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, Đường vành đai 3 giai đoạn I…

Từ sau năm 2005, rất nhiều dự án xây dựng giao thông nằm trong chiến lược, quy hoạch lớn của Chính phủ với tầm nhìn lâu dài đã được tiếp tục đẩy mạnh triển khai thi công như: Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; Đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Đường Láng - Hòa Lạc (giai đoạn mở rộng), Đường vành đai 3 giai đoạn II, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Tuy, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Nhật Tân, cầu Bến Thủy II, Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - hạ Long - Cái Lân, Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nhà ga T2 Nội Bài, Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu… và gần đây một số công trình tiêu biểu, quan trọng đang được khẩn trương thực hiện bước chuẩn bị xây dựng để sớm triển khai như: cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, cầu Lạch Huyện, Cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án kết nối đồng bằng sông Cửu Long, cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng… Những công trình GTVT đó đã thực sự trở thành những dấu mốc lịch sử quan trọng, những tượng đài của thế kỷ, minh chứng cho những thành quả to lớn, vẻ vang của ngành GTVT.

Ngày 22/5/2020, để đáp ứng yêu cầu mới về công tác tổ chức và quản lý đầu tư xây dựng ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 1007/QĐ-BGTVT  Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

 

Từ ngày 1/10/2022, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chính thức đổi tên thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng. (Theo Quyết định số 1223/QĐ-BGTVT Quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức Cục Quản lý xây dựng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ký ngày 23/9/2022).  

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, công chức viên chức Cục Quản lý đầu tư xây dựng qua bao thế hệ đã luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, luôn đoàn kết và phấn đấu để luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được Bộ GTVT giao phó.

Với những thành tựu nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức Cục Quản lý đầu tư xây dựng bày tỏ lòng biết ơn tới các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, viên chức đã tham gia lãnh đạo, công tác, cống hiến, xây dựng và phát triển Cục qua các thời kỳ; Bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các đồng chí cán bộ đã hy sinh, đã gửi lại một phần xương máu trên khắp nẻo đường của Tổ quốc; Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và sáng suốt của Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ GTVT, sự phối hợp và giúp đỡ của các Cục, Vụ, Viện, Ban, Ngành thuộc Bộ GTVT …. Để Cục Quản lý đầu tư xây dựng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Bộ GTVT giao trong thời gian vừa qua, cũng như hoàn thành trách nhiệm là Cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT trong công tác Quản l‎ý xây dựng và chất lượng, tiến độ công trình giao thông.

Xin trân trọng cám ơn!