Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Kỷ lục 8 tháng thi công 23 cầu trên quốc lộ
Chủ nhật, ngày 07/06/2020



PMU6 lại vừa lập nên một kỷ lục mới khi hoàn thành xây dựng 23 cầu trên các tuyến quốc lộ trong cả nước trong 8 tháng.

Cầu Tân An vượt sông Vàm Cỏ Tây đã hoàn thành sau 8 tháng thi công

Ngày 7/6, Ban QLDA6 tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác cầu Tân An trên QL1 và 5 cầu khác trên tuyến N1 thuộc địa bàn tỉnh Long An.

Đây là 6 cầu nằm trong nhóm 23 cầu sử dụng vốn dư của hiệp định vay vốn, bổ sung cuối năm 2018 vào dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 (TSL2) được PMU6 hoàn thành chỉ trong 8 tháng thi công.

Tiến độ thi công thần tốc

Sau thành tích “vô tiền khoáng hậu” trong ngành cầu đường Việt Nam khi làm cầu Tân Phong (Nam Định) chỉ trong 6 tháng thi công vào đầu năm 2016, giờ đây, PMU6 lại lập nên một kỷ lục mới khi hoàn thành xây dựng 23 cầu trên các tuyến quốc lộ trong cả nước trong 8 tháng.

Nếu so sánh với các PMU khác trực thuộc Bộ GTVT, PMU6 không quản lý nhiều dự án lớn tầm cỡ quốc gia, vốn liếng hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng xét về hiệu quả thực hiện các công trình, trong đó có dự án TSL2, không ít đơn vị phải chạnh lòng với PMU6.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc PMU6 cho biết, dự án TSL2 được Bộ GTVT giao PMU6 bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 1/2013 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (tháng 12/2018) là 6.070 tỷ đồng.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng trong nước với mục tiêu xây dựng 98 cầu yếu trên 29 tuyến quốc lộ thuộc địa phận 31 tỉnh, thành trong cả nước.

Đáng chú ý, trong 98 cầu thuộc phạm vi dự án, 75 cầu đã được PMU6 hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2017. Còn lại, 23 cầu mới được bổ sung vào dự án từ cuối năm 2018, bắt đầu khởi công từ cuối quý IV/2019.

Đến nay, 14/23 cầu đã hoàn thành, các cầu còn lại cũng đã thi công xong phần cầu, đang hoàn thiện các hạng mục phần đường và sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 6/2020.

“Nếu cầu Tân Phong lập kỷ lục hoàn thành chỉ sau 6 tháng thi công, thì tiến độ thực hiện 23 cây cầu này cũng rất nhanh khi chỉ mất khoảng 8 tháng với số lượng cầu lớn hơn nhiều lần”, ông Long nói.

Theo ông Long, các cầu thuộc dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận tải, chống ùn tắc, đảm bảo ATGT, đồng bộ với tiêu chuẩn của các tuyến quốc lộ đang khai thác. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân và địa phương nơi dự án đi qua…

Vượt qua Covid-19, đưa dự án về đích sớm

Đối với 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An, ông Tô Đức Lưu, Trưởng phòng Điều hành dự án 3 (PMU6) cho biết, tổng giá trị theo hợp đồng của 6 cầu khoảng 165 tỷ đồng, trong đó cầu Tân An trên QL1 là cầu lớn nhất với giá trị 110 tỷ đồng được khởi công vào cuối quý IV/2019.

Cầu Tân An được xây dựng vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, cách cầu hiện hữu nằm bên phải tuyến khoảng 10m. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.046m, trong đó phần cầu dài 301m, rộng 12m (hai là xe cơ giới), được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, vận tốc thiết kế 60km/h, nhịp chính của cầu có kết cấu thép dạng vòm mạng lưới với chiều dài 63m.

Còn lại, 5 cầu được xây dựng trên tuyến N1 (cầu Mỏ Heo, cầu Kênh T4, cầu Kênh T2, cầu Kênh T61, cầu Kênh T62) với tổng giá trị khoảng 55 tỷ đồng, mỗi cầu được thiết kế rộng 9m.

Trực tiếp điều hành quản lý 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An, ông Phạm Văn Minh, Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (PMU6) cho biết, trong quá trình triển khai tổ chức thi công, dự án có thuận lợi là nguồn vốn ODA và vốn đối ứng được cấp đủ từ phía JICA và Bộ GTVT.

Đồng thời, dự án nhận được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dự án cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh cần phải thi công gấp rút để hoàn thành công trình trước khi hiệp định vay vốn của dự án đóng vào tháng 7/2020.

“Để khắc phục khó khăn, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu thực hiện các quy định về an toàn, giữ nguyên lực lượng nhân công trên các công trình, đồng thời thực hiện đúng các quy định về cách ly và giãn cách xã hội.

Đặc biệt, Ban QLDA6 cùng tư vấn giám sát, nhà thầu nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật sáng tạo, đảm bảo chất lượng, an toàn và rút ngắn được tiến độ thi công”, ông Minh nói và cho biết, đến nay, sau 8 tháng thi công, 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng để đưa vào khai thác.

Theo ông Minh, cầu Tân An được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết tình trạng nút thắt cổ chai 4 làn xe trên tuyến QL1 và hai làn xe trên cầu Tân An cũ, tạo dòng lưu thông đồng thời 4 làn xe trên đoạn tuyến, giúp phương tiện và người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.

Tương tự, 5 cầu trên tuyến N1 sau khi hoàn thành đã phát huy tính đồng bộ về tải trọng của tuyến đường, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm chế biến, tiêu thụ. Hơn nữa, các cây cầu này còn giúp người dân và phương tiện trong vùng đi lại thuận tiện, an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Thỏa niềm mong ước của người dân Long An

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, trước đây, cầu Tân An cũ đã được cải tạo, nâng cấp, mở rộng mặt cầu từ lề bộ hành, nhưng vẫn không thể đáp ứng năng lực khai thác khi chỉ có hai làn xe, dẫn tới tình trạng thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm, nhất là các ngày lễ, Tết.
Đến nay, công trình cầu Tân An mới đã hoàn thành, đảm bảo cho người dân và phương tiện đi lại an toàn, thông suốt trên hành trình từ tuyến QL1 từ TP HCM đi miền Tây và ngược lại.
“Công trình này còn góp phần thúc đẩy giao thương, thỏa niềm mong ước bấy lâu của người dân và chính quyền tỉnh Long An”, ông Trung chia sẻ.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan