Các dự án hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đều cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về chất lượng, tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi Bắc Bộ từ năm 2010 - 7/2015.
Theo đó, trong giai đoạn 5 năm từ năm 2010 đến năm 2015 mặc dù nguồn vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng Nhà nước, Bộ GTVT cố gắng dành nguồn lực cao nhất cho sự phát triển hạ tầng giao thông nói chung, khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, toàn khu vực có nhiều dự án đã và đang triển khai thi công. Việc đầu tư các dự án nhằm phục vụ lưu thông khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa, an ninh trật tự và đảm bảo quốc phòng.
Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Với đặc điểm là miền núi và trung du có địa hình, địa chất phức tạp, núi cao, vực sâu nên các công trình giao thông, nhất là các công trình đường sắt, đường bộ chạy dọc theo tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định như sạt trượt, lũ, lụt. Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, chất lượng các dự án hạ tầng giao thông khu vực đều cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Theo báo cáo của Cục QLXD&CLCTGT, chất lượng công tác lập dự án, khảo sát, thiết kế tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, thể hiện ở các mặt: Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gây khó khăn cho kế hoạch bố trí vốn, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, tiến độ dự án. Các dự án trong quá trình triển khai phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế nhiều, đặc biệt là các hạng mục kiên cố hóa công trình. Một số hạng mục công trình có giải pháp chưa phù hợp với thực tế dẫn đến kém ổn định, phải điều chỉnh bổ sung. Công tác xử lý nền đất yếu chưa tính toán sát với tiến độ thi công nên một số dự án phải chấp nhận vừa khai thác, vừa chờ lún gây mất cảnh quan, môi trường, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Mặc dù theo quy định, đã nâng cao vai trò thẩm tra như thẩm định. Nhiều dự án có tư vấn thẩm tra nhưng trong quá trình thẩm định, chỉ đạo thi công, thanh tra, kiểm toán vẫn tồn tại nhiều sai sót.
Trong công tác thi công còn có hạng mục công trình chưa đáp ứng yêu cầu như, tập trung chủ yếu ở các hạng mục sau: hệ thống rãnh đỉnh, bậc nước bị trôi, tường chắn bị nghiêng ngả, thiếu ổn định; một vài dự án xuất hiện vệt hằn bánh xe ngay sau khi đưa vào khai thác (Dự án QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Lào cai); một số vị trí chưa xử lý tốt nền đất yếu, trong giai đoạn khai thác tạm chưa kịp thời bù lún, xử lý các vấn đề phát sinh do lún nền đất yếu. Các khiếm khuyết này đã được Bộ GTVT chỉ đạo sửa chữa, khắc phục trong quá trình bảo hành công trình.
Do khu vực có điều kiện địa chất, địa hình, khí hậu phức tạp, khó lường trước; trong khi các công trình giao thông chủ yếu trải dài theo tuyến chịu ảnh hưởng nhiều của các thay đổi phức tạp mà công tác khảo sát không thể nắm bắt hết được.
Công tác bố trí vốn chưa kịp thời, dứt điểm cho từng dự án, tiến độ thi công kéo dài ảnh hưởng xấu đến chất lượng các hạng mục đã thi công (đặc biệt là các lớp móng) và an toàn khai thác đối với các dự án nâng cấp cải tạo.
Chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế bước lập dự án đầu tư, TKKT, TK BVTC. Đơn vị Tư vấn không đủ năng lực hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm thiết kế tuyến khu vực đồi, núi dẫn tới phương án tuyến chưa thực sự phù hợp (đi qua khu vực địa chất không ổn định dễ sạt, trượt), khối lượng đào sâu, đắp cao lớn, thiết kế công trình thoát nước không đúng vị trí hoặc không đủ khẩu độ.... ảnh hưởng lớn đến kinh phí đầu tư, tiến độ dự án và ổn định công trình lâu dài.
Nhà thầu tư vấn, chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm, Tư vấn khảo sát còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến số liệu khảo sát chưa bám sát, phản ánh đúng thực tế. Công tác thiết kế chưa bám sát thực địa, nhiều công trình chỉ thiết kế theo số liệu khảo sát được cung cấp mà không kiểm tra kỹ hiện trường nên chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương, phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi công, tăng giá thành công trình.
Các Chủ đầu tư, Ban QLDA đôi lúc chỉ coi công tác thẩm tra là thủ tục. Chưa gắn trách nhiệm tư vấn thẩm tra với chất lượng thẩm tra, không có các biện pháp hiệu quả đối với đơn vị thẩm tra tại các dự án mà chất lượng công tác thẩm tra không cao, chưa đạt yêu cầu.
Các nhà thầu thi công, Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn giám sát trong quá trình thi công, bộ máy kiểm soát chất lượng hoạt động thiếu hiệu quả, không liên tục, còn nhiều lỗ hổng. Quy trình kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ, liên tục; chưa thực hiện đúng tiêu chí chất lượng của Bộ GTVT đề ra. Chủ đầu tư, ban QLDA, Nhà đầu tư BOT, Nhà thầu chưa nhận thức đầy đủ về cần đảm bảo chất lượng dù đã có nhiều bài học phải trả giá đắt cho các yếu kém về chất lượng.
Công tác giám sát thi công, kiểm định chất lượng chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các dự án đều thuê tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định nhưng vẫn để xảy ra các tồn tại về chất lượng thi công, đặc biệt là công tác đắp nền đường, thi công kết cấu áo đường. Một số dự án, số liệu kiểm định tốt nhưng khi có khiếm khuyết cần kiểm định độc lập lại thì số liệu sai khác nhiều, tỷ lệ các mẫu thí nghiệm không đạt yêu cầu tăng so với lần kiểm định trước.
Theo báo cáo của các Chủ đầu tư, Ban QLDA, tiến độ nhiều dự án hoàn thành chậm hơn nhiều so với quyết định phê duyệt đầu tư ban đầu. Trong đó có dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đến 3 năm (Dự án cải tạo nâng cấp QL4D đoạn Km O - Km 89 tỉnh Lại Châu, Dự án đường Mường Nhé - Pắc Ma Km 43 - Km 113 tỉnh Lai Châu); nhiều dự án theo kế hoạch hoàn thành năm 2013 - 2014 nhưng đến nay vẫn đình hoãn, chưa hoàn thành.
Nguyên nhân được Chủ đầu tư, Ban QLDA đưa ra làm chậm tiến độ hoàn thành các dự án là do nguồn vốn bố trí cho dự án gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các dự án phải tạm dừng, hoãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, nhất là các đoạn qua khu dân cư tập trung. Vì vậy, nhiều dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng một số đoạn qua khu vực dân cư phải thi công kéo dài, lắt nhắt, hoàn thành chậm, ảnh hưởng nhiều đến giao thông, cuộc sống của nhân dân và vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, dự án bổ sung, điều chỉnh nhiều, kết hợp với chế độ chính sánh thay đổi (chính sách về quản lý đầu tư, tách nhập địa giới hành chính), giá cả tăng nhanh làm tăng tổng mức đầu tư. Các yếu tố này kết hợp lại làm chậm tiến độ hoàn thành.
Đề xuất các giải pháp khắc phục
Nắm bắt được các tồn tại trong quản lý chất lượng, tiến độ các dự án công trình kết cấu hạ tầng giao thông; trong thời gian qua, Bộ GTVT đã không ngừng hoàn thiện một số cơ chế quản lý như: Tổ chức đánh giá xếp hạng năng lực tổ chức tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư; xây dựng quy chế về hoạt động của tư vấn giám sát từ năm 2013; xây dựng quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình; Quy định nâng cao trách nhiệm bảo hành đối với công trình kết cấu giao thông đường bộ; lập các Tổ đặc nhiệm, Hội đồng rà soát để xử lý triệt để các tồn tại về chất lượng điển hình (hằn lún vệt bánh xe, an toàn thi công các dự án đường sắt đô thị); đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát tăng cường lực lượng giám sát trên công trường nhất là kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào (cấp phối đá dăm, nhựa đường...), chất lượng thiết kế, thi công bê tông nhựa...
Để hạn chế tối đa các tồn tại về chất lượng, tiến độ các dự án công trình giao thông, Cục QLXD&CLCTGT đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Chú trọng đến chất lượng của từng khâu từ lập thiết kế cơ sở, phê duyệt dự án, triển khai thiết kế chi tiết đến các bước thi công dự án.
Nghiêm túc, quyết liệt triển khai chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT về quản lý chất lượng, tiến độ; triển khai các quy chế, hướng dẫn của Bộ GTVT.
Thực hiện kéo dài thời gian bảo hành công trình thông qua ký kết hợp đồng để nâng cao trách nhiệm của Nhà thầu. Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, xếp hạng năng lực các tổ chức tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư. Kết quả đánh giá, xếp hạng phải là cơ sở quan trong để tổ chức lựa chọn nhà thầu, lựa chọn giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Đảm bảo lựa chọn được các đơn vị có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia dự án.
Đồng thời, xác định chính xác, cụ thể trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án. Các cam kết về quyền hạn, trách nhiệm của các bên phải được đưa cụ thể vào trong hợp đồng kinh tế để có cơ sở xử lý khi để xẩy ra các vấn đề về chất lượng, tiến độ. Cần cụ thể hơn trách nhiệm của tư vấn thẩm tra, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định trong quá trình thực hiện.
Nâng cao, hoàn thiện bộ máy quản lý chất lượng của từng đơn vị. Xây dựng bộ máy quản lý chất lượng đi vào thực chất, trong đó có phân định quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong bộ máy quản lý chất lượng, đảm bảo từng công đoạn trong quản lý chất lượng đều rõ ràng người phụ trách, chịu trách nhiệm cũng là một trong những biện pháp đảm bảo chất lượng dự án.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị bám sát thực tế, bám sát dự án thực đầy đủ chức trách của mình, kịp thời xử lý các phát sinh, vướng mắc ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ dự án.
Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thiết kế mới để áp dụng cho các công trình địa hình đồi núi như giải pháp ổn định mái taluy, sử dụng kết cấu hầm, cầu cạn... đảm bảo an toàn, ổn định khai thác lâu dài.
Về nâng cao an toàn khai thác, các đơn vị quản lý tiếp tục rà soát các dự án đang thi công hoặc đã đưa vào khai thác để xử lý cải tạo mở rộng mặt đường, tầm nhìn tại các vị trí góc cua gấp, bổ sung đường cứu nạn, rà soát hệ thống an toàn hộ lan, tôn sóng, gương cầu... (thường xuyên xảy ra tình trạng mất cắp, hư hỏng, mất hiệu lực đảm bảo an toàn giao thông) để nâng cao an toàn khai thác.
Phòng công trình đường bộ 1
Chủ đầu tư/Ban QLDA
Nhà thầu xây lắp
Tư vấn thiết kế
Tư vấn giám sát
Tư vấn kiểm định