Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Đồng thuận chuyển đầu tư công 3 dự án cao tốc
Thứ sáu, ngày 12/06/2020



Đa số đại biểu thống nhất chủ trương điều chỉnh đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công với 3 dự án cao tốc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung các ĐBQH quan tâm

Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đa số đại biểu thống nhất chủ trương điều chỉnh đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công với 3 dự án: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây.

Làm sớm ngày nào hay ngày đó

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc chuyển đổi này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đã bố trí cho dự án. Theo số liệu báo cáo tới nay tiến độ giải ngân được 8.386/55.000 tỷ đồng, đạt 15,25% và theo kế hoạch vốn bố trí đến năm 2020 mới đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư công. Như vậy là rất chậm và không đạt tiến độ vốn đầu tư công đã bố trí giai đoạn 2016 - 2020.

Việc triển khai nhanh dự án đường cao tốc Bắc - Nam là hết sức cần thiết. Đồng thời, quan điểm nhất quán là những dự án nào khó khăn, doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư thì nhà nước sẽ thực hiện đầu tư công, các dự án còn lại sẽ thực hiện đầu tư PPP.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Thường trực Ủy ban Kinh tế)

ĐB Trần Văn Tiến lưu ý, thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP thấp nên cần lượng vốn lớn đầu tư tập trung để phát triển kinh tế. Trong khi đó, khả năng huy động vốn tín dụng của các nhà đầu tư gặp khó khăn bởi các ngân hàng đang thắt chặt việc cho vay các dự án PPP. Do đó, việc chuyển 3 dự án thành phần sang đầu tư công 100% bằng vốn ngân sách nhà nước sẽ mang lại hiệu quả và bảo toàn vốn cho nhà nước. ĐB cũng đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm theo Luật Đầu tư công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và không được để chậm tiến độ so với đầu tư bằng hình thức PPP.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng, đây là một phương án có tính chất đột phá và khả thi nhất.

Dẫn thí dụ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có lưu lượng xe cao, khả năng hoàn vốn lớn nhưng việc huy động vốn rất khó khăn, đích thân Thủ tướng phải đến công trình chỉ đạo thì mới thu xếp được vốn, ĐB Hải cho rằng, với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nếu làm PPP không biết khi nào mới hoàn thành. “Riêng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, lưu lượng xe hiện rất lớn, gấp 3 lần cho phép, thường xuyên ùn tắc, TNGT diễn biến phức tạp. Nếu dự án được chuyển sang đầu tư công sẽ sớm giải quyết được thực trạng này”, ĐB Hải nói.

Cùng quan điểm, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhấn mạnh: “Không có phương án nào tốt hơn phương án Chính phủ trình. Cần phải thấy rằng 45 năm sau giải phóng đất nước, chúng ta chưa có được con đường cao tốc Bắc - Nam là một sự chậm trễ và cũng là lỗi của chúng ta. Tôi cho rằng, yêu cầu cấp thiết là phải triển khai sớm, sớm ngày nào đỡ thiệt hại về kinh tế ngày ấy”.

Với 3 dự án chuyển sang đầu tư công, ĐB Hùng cho rằng, dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng trong điều kiện các tổ chức tín dụng không muốn cung cấp vốn, thời gian đầu tư quá dài, thì việc chuyển sang đầu tư công là hợp lý. “Không có vốn thì không triển khai được. Còn với 5 dự án PPP còn lại, vốn Nhà nước lớn, vốn huy động thấp nên khả năng thu hút nhà đầu tư cao hơn. Như vậy, cùng một lúc chúng ta phát huy được hai nguồn lực để triển khai sớm hoàn thành cao tốc Bắc - Nam”, ĐB Hùng nêu ý kiến.

Cũng đề cập đến câu chuyện vốn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Đinh Văn Nhã (ĐB tỉnh Phú Yên) còn đề nghị phát hành trái phiếu Chính phủ để hoàn thành nhanh toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, “làm một việc lớn cho đất nước, đầu tư xong Nhà nước sẽ tự tổ chức thu hoặc đấu giá quyền thu phí”.

Bên cạnh đó, nhiều ĐB cho rằng, sau chuyển đổi, cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. “Dự án cao tốc Bắc - Nam là huyết mạch rất quan trọng, tạo ra giá trị kinh tế lớn, vậy mà bây giờ chúng ta chưa làm được bao nhiêu”, ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói. Tương tự, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh, Chính phủ cần cam kết và quyết tâm hoàn thành dự án theo tiến độ trình Quốc hội, không nên để chậm trễ thêm nữa.

Chuyển đầu tư công, triển khai sẽ nhanh hơn

Theo ĐBQH Phùng Văn Hùng, sau 45 năm sau giải phóng đất nước, chúng ta chưa có được con đường cao tốc Bắc - Nam là một sự chậm trễ (Trong ảnh: Cao tốc La Sơn - Túy Loan với tổng chiều dài 77,6km, nằm trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị được thông xe). Ảnh: Duy Lợi

Giải trình làm rõ thêm các vấn đề các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, mặc dù việc đầu tư 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam được quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 11/2017, nhưng Bộ GTVT phải làm nhiều quy trình, thủ tục, đến tháng 6/2019 mới tiến hành đấu thầu quốc tế. “Khi trình chủ trương đầu tư, chúng ta xác định là thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vì nguồn lực trong nước có hạn. Đến tháng 9/2019 chúng ta có 32 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng cân nhắc nhiều mặt, trong đó có yếu tố an ninh - quốc phòng nên chúng ta lại quyết định chỉ lựa chọn nhà đầu tư trong nước”, Bộ trưởng Thể giải thích.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng nhấn mạnh, dự án nào đầu tư công mang lại hiệu quả thì nên đầu tư công, song cũng nên giữ phương án đầu tư PPP với dự án có thể thu hút nhà đầu tư tham gia.

Giải đáp những băn khoăn của các ĐB về tính khả thi khi chuyển đổi phương án đầu tư công đối với 3 dự án đã nêu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi khẳng định chuyển sang đầu tư công sẽ nhanh hơn, nếu được Quốc hội đồng ý, toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này sẽ khởi công trong năm nay”.

Về lý do chọn 3 dự án để chuyển đầu tư công, Bộ trưởng Thể cho biết, đây là các dự án mang tính trọng điểm. Tiếp nối vào cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang triển khai, Dự án Mai Sơn - QL45 sẽ nối dài từ Hà Nội. Còn dự án Dầu Giây - Phan Thiết, nếu hoàn thành sớm sẽ nối từ TP HCM đến Phan Thiết và tiếp theo là đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo. “Như vậy sẽ có tuyến cao tốc từ TP HCM ra, từ Hà Nội vào. Nếu các dự án ở giữa mà chưa triển khai kịp cũng không ảnh hưởng gì, vì đã có đường cao tốc riêng nối giữa các trung tâm kinh tế lớn”, Bộ trưởng Thể cho hay.

Ngoài 3 dự án lần này trình Quốc hội cho phép chuyển đổi sang đầu tư công, Bộ trưởng Thể cho biết, 5 dự án PPP còn lại phải huy động hơn 22.000 tỷ đồng, trung bình mỗi dự án hơn 4.000 tỷ đồng (trước đây trung bình một dự án BOT chỉ 1.000 - 1.500 tỷ đồng) nên cũng rất khó khăn. Nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được, phải báo cáo Quốc hội. Bộ trưởng cũng kiến nghị thực hiện nghiêm Nghị quyết 52, nếu tháng 11/2020 mà đấu thầu không thành công, tháng 6/2021 mà không thu xếp được vốn thì kiến nghị Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và sẽ chuyển qua đầu tư công hoặc hình thức khác.

Theo dự kiến chương trình, vào ngày 19/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, nếu Quốc hội thông qua chủ trương chuyển 3 dự án sang đầu tư công, giữ 5 dự án PPP mà Chính phủ cân đối được vốn thì chuyển vốn chưa sử dụng hết của giai đoạn trước để triển khai. Bởi càng đẩy nhanh tiến độ thì hiệu quả vốn càng cao, vì được giải ngân kịp thời.
Riêng với 5 dự án PPP, ĐB Lợi cho biết, ông đã họp với các nhà đầu tư, nhà đầu tư cho biết, kể cả ngân hàng không cho vay họ vẫn đủ năng lực để làm. “Vậy tại sao không có niềm tin với nhà đầu tư? Quan trọng là đấu thầu một cách công khai, minh bạch, lựa chọn đúng nhà thầu có năng lực”, ĐB Lợi nói.

 

Theo Báo Giao thông

 

Tin liên quan