Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Địa phương đề xuất Bộ GTVT "giải cứu" cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu
Thứ năm, ngày 01/04/2021



UBND tỉnh Sơn La đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc

Dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư

Tối muộn ngày 31/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 579 ngày 17/5/2019. UBND tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu dài khoảng 85km, đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49km, đoạn qua tỉnh Sơn La khoảng 36km. Dự án được phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 xây dựng quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng hỗn hợp BOT, BT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 22.294 tỷ đồng, gồm: 17.294 tỷ đồng vốn nhà đầu tư huy động và 5.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia là quỹ đất của địa phương để thanh toán cho nhà đầu tư.

Ông Đông cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu do có một số quy định mới trong Luật PPP vừa ban hành so với quy định trước đây, cụ thể là dự án không được áp dụng loại hợp đồng BT nên buộc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Loại hợp đồng dự án cũng phải điều chỉnh từ hợp đồng hỗn hợp (BOT và BT) sang loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn Nhà nước.

Đồng thời, cơ cấu nguồn vốn của dự án được đề xuất điều chỉnh theo hướng: Nhà đầu tư huy động 11.627 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia 9.950 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương 5.000 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương 4.950 tỷ đồng).

“Trong phần vốn góp của ngân sách địa phương, tỉnh Sơn La sẽ tham gia 4.100 tỷ đồng, còn tỉnh Hòa Bình tham gia 900 tỷ đồng”, ông Đông nói và cho biết, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Hòa Bình và cơ quan liên quan, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Đề xuất chuyển dự án về Bộ GTVT

Theo ông Đông, khó khăn, vướng mắc của dự án hiện nay là nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia dự án (4.950 tỷ đồng). Trong báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT chưa có ý kiến cụ thể về mức vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 bố trí cho dự án để làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

“Về mặt kỹ thuật, đây là công trình có quy mô lớn, nhiều hạng mục công trình có yêu cầu thiết kế, thi công phức tạp như nhiều cầu lớn, hầm xuyên núi,… nên quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn”, ông Đông nói và chia sẻ thêm, đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Sơn La được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La (ngồi giữa) thông tin về tình hình triển khai cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Trên cơ sở đó, người đứng đầu tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ GTVT giúp địa phương tháo gỡ các vướng mắc để sớm đầu tư đoạn cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu làm tiền đề để đầu tư tiếp đoạn Mộc Châu - TP.Sơn La và đoạn TP.Sơn La - Điện Biên. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh này cũng đề xuất Bộ GTVT chấp thuận cập nhật, bổ sung dự án vào quy hoạch mạng lưới cao tốc quốc gia và hướng dẫn tỉnh tổ chức triển khai nhằm sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện dự án.

“Quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình”, ông Đông đề xuất.

Gợi mở “lối thoát” cho tuyến cao tốc về Tây Bắc

Trước kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có quy mô rất lớn, tổng mức đầu tư lên tới 22.000 tỷ đồng, nếu thực hiện bằng hình thức BOT sẽ không khả khi về phương án tài chính, nhà đầu tư sẽ không thể hoàn vốn qua thu phí.

Trường hợp chuyển dự án về Bộ GTVT đầu tư bằng hình thức công sẽ phải làm lại hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, trải qua rất nhiều công đoạn và sẽ không kịp thời gian để ghi vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới.

“Đặc biệt, dự án có tổng mức quá lớn sẽ rất khó thuyết phục Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư. Nếu chuyển sáng đầu tư công thì chưa biết đến khi nào dự án này mới có thể triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và nhấn mạnh, phương án tối ưu là UBND tỉnh Sơn La tiếp tục đảm nhiệm vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã gợi mở các giải pháp thực hiện cho hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Đầu tiên, hai địa phương nghiên cứu chỉ đạo tư vấn rà soát, điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 4 làn xe xuống 2 làn xe nhằm tiết giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm chi phí xây dựng, từ đó kéo giảm tổng mức đầu tư dự án.

“Lưu lượng trên tuyến này không lớn, hơn nữa phương tiện sẽ phân lưu trên tuyến QL6 song hành không thu phí. Do đó, hai địa phương cần tính toán lại quy mô, trước mắt có thể đầu tư trước với quy mô 2 làn xe, giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 16.000 - 17.000 tỷ đồng để đảm bảo dự án khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Thứ hai, về cơ cấu nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình cần tăng phần vốn góp của ngân sách của địa phương tham gia vào dự án lên khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng thay vì 5.000 tỷ đồng như hiện nay. Theo Bộ trưởng, trước đây, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng hỗn hợp BOT và BT. Đến nay, cơ chế, chính sách thay đổi, phần BT của dự án không thực hiện được.

“Để giải quyết vướng mắc này, hai địa phương cần kiến nghị cấp thẩm quyền xin cơ chế đối với phần đất trước kia dự kiến giao cho nhà đầu tư, nay mang giá đấu giá công khai, minh bạch. Thay vì góp bằng đất như trước, địa phương sẽ góp bằng tiền để tham gia vào dự án. Khi ngân sách hai địa phương đã có 7.000 - 8.000 tỷ đồng, rồi đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng, còn lại là phần vốn tham gia của nhà đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, dự án này mới có tính khả thi cao để triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gợi ý.

Phối cảnh tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Đánh giá giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm quy mô dự án xuống 2 làn xe của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, song Bí thư Tỉnh ủy Sơn La - Nguyễn Hữu Đông lại băn khoăn về việc tăng nguồn vốn của Nhà nước tham gia vào dự án. “Nếu tăng phần vốn góp của ngân sách hai địa phương lên 7.000 - 8.000 tỷ đồng, cộng thêm phần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ vượt quá quy định hiện hành. Bởi, trong Luật PPP quy định phần vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án”, ông Đông chia sẻ.

Tiếp lời, ông Ngô Văn Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nói: “Để đầu tư xây dựng và khai thác tuyến cao tốc này, tỉnh Hòa Bình sẵn sàng bỏ ra 3.000 tỷ đồng thay vì 900 tỷ đồng như hiện nay để hỗ trợ dự án. Tuy nhiên, do ràng buộc từ quy định của Luật PPP về phần vốn góp của Nhà nước nên chúng tôi rất băn khoăn”.

Giải đáp thắc mắc của lãnh đạo hai địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Chỉ cần địa phương có nguồn ngân sách dồi dào, còn lại cách làm không khó”. Gợi ý giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án dài 85km sẽ chia tách thành các phân đoạn đầu tư 100% bằng vốn đầu tư công và đoạn đầu tư bằng hình thức BOT.

“Toàn bộ các hạng mục cầu, hầm xuyên núi và một phần đường trên tuyến sẽ thực hiện đầu tư 100% bằng vốn đầu tư công. Một phần vốn Nhà nước còn lại sẽ tham gia hỗ trợ vào đoạn tuyến thực hiện đầu tư bằng hình thức BOT, đảm bảo phần vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án theo đúng quy định của Luật PPP”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gợi ý.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt giả thiết, sau khi rà soát, điều chỉnh quy mô xuống 2 làn xe, tổng mức đầu tư dự án giảm xuống còn khoảng 16.000 tỷ đồng. Cùng đó, ngân sách hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình tham gia vào dự án khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.000 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư tham gia 3.000 tỷ đồng.

“Lúc này, vốn ngân sách Trung ương và địa phương sẽ đầu tư toàn bộ phần hạng mục hầm, cầu và một phần đường trên tuyến hết khoảng 11.000 tỷ đồng. Còn lại 2.000 tỷ đồng vốn của Nhà nước sẽ tham gia hỗ trợ phân đoạn đầu tư bằng hình thức BOT cùng nhà đầu tư. Chỉ có như vậy, dự án mới khả thi để triển khai đầu tư được ngay và tuân thủ đúng quy định hiện hành”, Bộ trưởng gợi ý.

Hoàn toàn đồng tình với giải pháp của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra, lãnh đạo hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình khẳng định sẽ tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị liên quan của địa phương, tư vấn tiến hành rà soát điều chỉnh quy mô dự án. Đồng thời, Tỉnh ủy và HĐND hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình sẽ khẩn trương họp bàn để ban hành nghị quyết về việc bố trí nguồn ngân sách của địa phương tham gia đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan