Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

ĐBSCL hoàn toàn có thể chủ động nguồn cát thi công các dự án cao tốc
Thứ năm, ngày 15/12/2022



Bộ GTVT cùng Bộ TN&MT và một số tỉnh ĐBSCL bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu cát phục vụ cho các tuyến cao tốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (người mặc áo đen) cùng đoàn công tác trên tàu khảo sát khu vực khai thác cát biển tại cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vào chiều 14/12.

ĐBSCL có nguồn cát dồi dào

Sáng 15/12, tại Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì buổi làm việc với một số tỉnh ĐBSCL về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án cao tốc ở ĐBSCL cơ bản đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch giao.
Theo Thứ trưởng, ĐBSCL có nền đất yếu, vì vậy việc thi công nền đường là nhân tố quyết định quan trọng đối với tiến độ và chất lượng của dự án. Việc sử dụng nguồn vật liệu cát để đắp nền là hết sức cần thiết và ĐBSCL có những khu vực có nguồn cát dồi dào.

“Bộ GTVT mong muốn các tỉnh nâng cao trách nhiệm cùng với Bộ và các cơ quan Trung ương để đáp ứng yêu cầu của dự án. Nhu cầu nguồn cát để thi công 400km đường cao tốc ở ĐBSCL khoảng 39 triệu m3 cát. Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần 17,8 triệu m3”, Thứ trưởng Lâm thông tin.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, qua khảo sát cát biển tại Sóc Trăng cho thấy, nguồn cát biển dùng để đắp nền tại đây dồi dào và có thể đáp ứng được cho các dự án cao tốc. Bộ GTVT cam kết sẽ cùng Bộ TN&MT hỗ trợ các địa phương xử lý những vấn đề có liên quan trong thời gian nhanh nhất có thể.

“Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc trục dọc) tháng 1/2023 sẽ khởi công. Còn tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (cao tốc trục ngang) sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023 và bắt đầu triển khai thi công vào tháng 8/2023. Quá trình thi công sẽ cần khoảng 20 triệu m3 cát, chủ yếu tập trung cho cao tốc trục dọc", Thứ trưởng Lâm chia sẻ thêm.
Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng khẳng định, ĐBSCL hoàn toàn có thể chủ động nguồn cát sông cho các dự án cao tốc. Đặc biệt là các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang với trữ lượng cát sông, cát biển được đánh giá dồi dào.

Trong 39 triệu m3 cát, nhu cầu trong năm 2023 chỉ sử dụng khoảng 16 triệu m3, còn 23 triệu m3 rơi vào các năm 2024, đầu năm 2025.

“Đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát cụ thể nhu cầu và nguồn cát trên địa bàn, tính toán cân đối cho 2 tuyến cao tốc, ưu tiên dồn nguồn lực cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Mục tiêu chung là đến năm 2026, 2027 hoàn thành 400km đường cao tốc ở ĐBSCL”, ông Kiên nói.

Đối với những kiến nghị về việc sử dụng cát biển đắp nền, ông Kiên cho biết, Bộ TN&MT và Bộ GTVT sẽ có trả lời sớm là có sử dụng được không và nếu có sử dụng thì cần bao nhiêu và sử dụng như thế nào.

Bộ TN&MT cũng sẽ đề xuất giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong việc giám sát trong quá trình khai thác cát.
Các địa phương sẵn sàng chia sẻ nguồn vật liệu cát

Tại buổi làm việc, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, nguồn cát phục vụ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang cơ bản đáp ứng được yêu cầu và cam kết sẽ hỗ trợ 6 triệu m3 cát cho Cần Thơ, Hậu Giang khi cần.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện tại, các mỏ cát đang khai thác là 14 mỏ và khả năng khai thác theo giấy phép năm 2022 còn lại 3,13/5,21 triệu m3. Đồng thời, trữ lượng còn lại dự báo sẽ đưa vào quy hoạch khai thác sau năm 2020 là 33,57 triệu m3/10 mỏ.

Ông Tuấn kiến nghị Bộ TN&MT ban hành quy định riêng về đấu giá quyền khai thác các mỏ cát trên cả nước; quản lý nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa và có cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, khó khăn là nguồn vật liệu cát san lấp, có tỉnh có, tỉnh không. Riêng Sóc Trăng cam kết sẵn sàng chia sẻ nguồn cát cho các tỉnh không có nguồn.

Khó khăn của Sóc Trăng là nhu cầu sử dụng nguồn cát làm vật liệu xây dựng của tỉnh rất lớn. Nhưng địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên cát lòng sông thuộc Sóc Trăng có chất lượng xấu (cát, bùn xen kẽ và lẫn nhiều tạp chất), khó đáp ứng chất lượng.

Ông Lâu cũng đề nghị Bộ TN&MT cần hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL".

 

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, trong giai đoạn từ 2022 - 2025 nhiều dự án lớn trong khu vực cũng được triển khai đồng bộ như Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (188,2km); Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (27,4km); Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (26,5km)...

Từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường.

Để giải quyết những khó khăn về vật liệu cho dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và lãnh đạo Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp làm việc với UBND các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng... để đề nghị được hỗ trợ nguồn vật liệu cát đắp nền cung cấp cho các dự án.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho các dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác (157/TB-VPUBND ngày 10/6/2022). Các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch cung cấp cát.

Như vậy, đến nay vẫn chưa xác định được đủ nguồn vật liệu cát đắp nền cho các dự án, đây là điểm mấu chốt và ảnh hưởng rất lớn.

(Theo Báo Giao thông)

 

Tin liên quan