Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Công bố các Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc
Thứ năm, ngày 28/07/2022



Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 đã thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc tại các Nghị quyết số 58, số 59 và số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra thực địa tại điểm đầu dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 đã thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc tại các Nghị quyết số 58, số 59 và số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường bộ cao tốc là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; trong đó phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.

Triển khai nghị quyết đại hội Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải lập chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng).

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, ngày 27/7, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành  cùng lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đã có chuyến công tác tại tỉnh An Giang.

Cùng tham dự đoàn công tác về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Phó Cục trưởng Cục QLXD & CLCT GT Nguyễn Thế Minh.

Trong sáng ngày 27/7, đoàn đã đi kiểm tra thực địa dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là dự án Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng là cơ quan chủ quản.

Tại thực địa, Ban QLDA Mỹ Thuận thay mặt Bộ GTVT đã báo cáo tổng quan dự án.

Tại điểm nút giao ĐT.954, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo các địa phương cần quan tâm đến công tác tái định cư, mặc dù số hộ tái định cư nhỏ nhưng các nơi tái định cư cần có vị trí thuận lợi, điều kiện sống tốt hơn so với nơi ở cũ; tỉnh An Giang cần quan tâm đến các mỏ vật liệu cát đắp để bảo đảm đủ nguồn cung cho dự án; các đơn vị thiết kế, quản lý dự án cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm sự chuyển tiếp êm thuận giữa công trình cầu và phần đường.

Chiều cùng ngày, tại văn phòng UBND tỉnh An Giang, Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị công bố các nghị quyết số 89, số 90 và số 91 về triển khai 03 dự án cao tốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm công bố các Nghị quyết của Chính phủ

Nghị quyết gồm 5 cơ chế đặc thù nhằm đẩy mạnh việc phân cấp cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ triên khai dự án, triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng như các cơ chế nhằm tháo gỡ các khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng đặc biệt là vật liệu đắp cho các dự án.

Nghị quyết cũng yêu cầu cụ thể các mốc tiến độ triển khai dự án như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mốc giải phóng mặt bằng; phê duyệt dự án đầu tư; bàn giao giải phóng mặt bằng… để đồng loạt khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023 và hoàn thành theo các mốc tiến độ yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội.

Để thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban, ngành, địa phương cùng phối hợp để triển khai dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo: dự án với khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai ngắn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo không gian, động lực phát triển lớn cho các địa phương. Do đó, nghị quyết đã có các cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai; các địa phương được giao là cơ quan chủ quản cần tập trung vào công tác lựa chọn tư vấn, lập dự án, giải phóng mặt bằng để đến 30/6 đồng loạt khởi công các dự án…

Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, ngày 25/7, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết sau:

- Nghị quyết số 89/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6 /2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 117,5 km (tỉnh Khánh Hòa 32,7 km; tỉnh Đắk Lắk 84,8 km); sơ bộ tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027

- Nghị quyết số 90/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6 /2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.  

Dự án có tổng chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km); sơ bộ tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.

- Nghị quyết số 91/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6 /2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 188,2 km (tỉnh An Giang 56,7 km, thành phố Cần Thơ 37,7 km; tỉnh Hậu Giang 37,7 km và tỉnh Sóc Trăng 56,1 km); sơ bộ tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng.

Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

 

 

Tin liên quan