Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Chốt hạn bàn giao mặt bằng dự án cầu Thái Hà
Thứ ba, ngày 07/07/2015



Trong tuần này nhà đầu tư phải chuyển trước 5 tỷ đồng cho ban đền bù GPMB huyện để thực hiện tái định cư.

 

Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra hiện trường xây dựng cầu dự án cầu Thái Hà.

Mặt bằng vẫn rối như canh hẹ

Sáng nay (7/7), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình.

Theo ông Phan Quốc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, mặc dù được khởi công từ tháng 10/2014 nhưng đến nay, tiến độ của dự án rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu. “Trong tổng số 6 gói thầu xây lắp chính, các đơn vị mới cơ bản triển khai được gói thầu số 1. Khối lượng thi công lũy kế mới đạt khoảng 15%, chậm từ 3-4 tháng so với kế hoạch”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do công tác bàn giao mặt bằng của hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam vẫn còn "rối như canh hẹ".

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 19/5, lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam đều cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ công tác GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công chậm nhất trong tháng 6/2015, song đến nay, công tác này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cụ thể, mặt bằng của dự án ở phía Hà Nam còn vướng phần đất thổ cư của 13 hộ dân và 100 ngôi mộ chưa được di chuyển. Trong khi đó, đối với tỉnh Thái Bình, chính quyền địa phương cũng mới giải phóng xong 3,2ha đất nông nghiệp, còn lại phần đất thổ cư nằm trong khu vực dự án vẫn án binh bất động.

Ông Phan Quốc Hiếu cho biết thêm, suốt một thời gian dài, nguồn vốn tín dụng của dự án không được giải ngân bởi những vướng mắc về thủ tục pháp lý cũng làm dự án trễ tiến độ. Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Đức Ý, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Thái Hà cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu và ngân hàng VietinBank cũng bước đầu giải ngân gần 20 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ”.   

Kiên quyết đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình

Trưa cùng ngày, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình và Hà Nam, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị chính quyền hai địa phương có dự án đi qua phải quyết liệt vào cuộc để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công.

“Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, toàn bộ phần mặt bằng của công trình thuộc địa phận tỉnh Thái Bình phải được bàn giao trước 30/7/2015. Tôi yêu cầu, ngay trong tuần này nhà đầu tư phải chuyển trước 5 tỷ đồng cho ban đền bù GPMB của huyện để thực hiện công tác tái định cư cho 50 hộ dân phải di dời”, Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu trước 30/7, toàn bộ mặt bằng của dự án phải được bàn giao.

Đối với tỉnh Hà Nam, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị lãnh đạo địa phương phối hợp cùng nhà đầu tư, Ban QLDA Thăng Long khẩn trương di dời phần đất thổ cư của 13 hộ dân và 100 ngôi mộ nằm trong phạm vi dự án. “Các đơn vị phải có những giải pháp vận động, thuyết phục người dân sớm di dời toàn bộ các phần mộ chứ không thể đợi đến sau rằm tháng bảy mới bàn giao”, Thứ trưởng nói.   

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu nhà đầu tư, Ban QLDA Thăng Long cần triển khai sớm công tác xử lý nền đất yếu để có đủ thời gian gia tải, chờ lún theo quy định. “Ban QLDA Thăng Long phải quyết liệt rà soát lại mặt bằng tổng thể của dự án. Từ giờ đến 30/7 nếu không giải quyết xong toàn phần mặt bằng còn vướng, phải báo cáo với Bộ để có phương án xử lý. Đặc biệt, nhà đầu tư phải xây dựng lại tiến độ tổng thể, tiến độ của từng gói thầu để đảm bảo dự án hoàn thành trước 30/ 6/2016”, Thứ trưởng Nhật yêu cầu. 

Dự án xây dựng công trình cầu Thái Hà gồm phần cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng và phần đường dẫn phía Thái Bình, Hà Nam với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,5 km. Trong đó, điểm đầu của dự án kết nối vào tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, thuộc địa phận xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Điểm cuối tuyến vượt sông Hồng, kết nối với tuyến phía Thái Bình thuộc địa phận xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Dự án do liên danh Công ty TNHH Tiến Đại Phát - Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Công ty CP Đầu tư và XNK Bình Minh là nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng.

 

Theo Báo Giao thông

 

Tin liên quan