Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn vướng mỏ, thiếu đất đắp
Thứ hai, ngày 21/11/2022



Sau 3 năm làm thủ tục, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa thế khai thác được mỏ khiến Dự án Cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có nguy cơ chậm tiến độ.

Đất điều phối trên tuyến không nhiều, lại phải dùng để đắp đường công vụ

Nhà thầu thiếu đất, mỏ 3 năm vẫn chưa xong thủ tục

Những ngày đầu tháng 11, đi dọc Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí lao động khẩn trương sau những ngày mưa lũ kéo dài phải tạm ngừng.

Theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), tính đến đầu tháng 11/2022, sau khi điều chỉnh tiến độ lần 2, toàn dự án đã huy động 479 thiết bị các loại khẩn trương triển khai 93/98 mũi thi công. Tổng giá trị các nhà thầu thực hiện được là 1.416,4/1.517,5 tỷ đồng, đạt 93,3% kế hoạch, và đạt 16,5% giá trị hợp đồng.
Ông Trương Đức Liên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, cho biết: Hiện tại, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, bù những ngày mưa lũ bị gián đoạn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là đất đắp không có.

Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 49,3km. Theo tính toán, toàn dự án cần khoảng 7 triệu khối đất đắp. Hiện trên công trường phần lớn đang đắp cát để xử lý đất yếu, tuy nhiên cũng đã có nhiều đoạn đã đắp được đất nhưng không có. Trong khi đó, đất điều phối trữ lượng có hạn, chỉ khoảng 300.000 khối, phải dùng để đắp đường công vụ.

Theo ông Liên, chỉ tính riêng chiều dài dự án qua huyện Hưng Nguyên là 26km, nhưng hiện chỉ tận dụng được 1 ít đất ở đồi xã Hưng Yên Nam. Còn lại, muốn có đất, đơn vị thi công phải đi mua rất xa so với sơ đồ mỏ lúc duyệt. Kéo theo đó là kinh phí bị đội lên nhiều và nhà thầu không chủ động được.

Trong khi đó, nhà đầu tư có 4 mỏ đất với trữ lượng khoảng 6 triệu khối. Thế nhưng đến nay chỉ mới 1 mỏ được phép khai thác nhưng dân không cho vào lấy đất, 3 mỏ đang hoàn thiện thủ tục. Việc thiếu đất đắp đang có nguy cơ gây chậm tiến độ của toàn dự án. Vì vậy, rất mong trung ương, tỉnh Nghệ An và các sở, ban ngành quan tâm, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Xác nhận các thông tin, ông Phạm Đình Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp (nhà đầu tư đứng đầu liên danh) cho biết thêm: Để chuẩn bị cho công tác triển khai thi công dự án, doanh nghiệp này đã "đi tắt đón đầu" bằng việc mua lại các công ty đang làm hồ sơ mỏ.

Tuy nhiên, sau 3 năm, đến đầu tháng 11/2022, chỉ mới duy nhất 1 mỏ đất ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên được phép khai thác. Thế nhưng, người dân lại không cho doanh nghiệp đưa xe vào chở đất. Trong khi đó, 3 mỏ còn lại vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý.

“Doanh nghiệp đã bỏ hàng tỷ đồng để nộp tiền cấp quyền. Thế nhưng, mỏ thì vướng dân, mỏ thì vướng các quy định của pháp luật. Tỉnh thì quyết liệt, nhưng luật thì nhiều và chồng chéo lẫn nhau, nên các sở, ngành không dám tự ý quyết.

Đơn cử như việc sau khi Báo Giao thông phản ánh, mỏ khoáng sản đã thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cắt giảm các thủ tục này.

Thế nhưng, được vài tháng, đoàn công tác ở Trung ương về lại bắt bổ sung. Hay như việc, cũng là mỏ đất đó, nhưng khi đấu giá đất thì ghi là khai thác khoáng sản, thế nhưng khi đi vào thực tế thì lại là đất sản xuất vật liệu xây dựng. Thế là phải hỏi, phải xin ý kiến Trung ương…", ông Hạnh nói

Cùng quan điểm, một doanh nghiệp thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An cho biết thêm: Theo quy định hiện nay, sau khi đấu giá quyền khai thác, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với chủ đất để đền bù, GPMB.

Tuy nhiên, việc tự thỏa thuận này sẽ rất khó thực hiện được, nếu người dân không đồng thuận, không tạo điều kiện. Hoặc thoả thuận với giá “trên trời” thì doanh nghiệp không có tiền để bù. Còn không thoả thuận được thì sẽ bị mất hàng tỷ đồng tiền đấu giá và dự án có nguy cơ “vỡ” kế hoạch. Đây là quy định mang tính gây khó cho doanh nghiệp.
Còn đó nhiều nỗi lo

Theo tìm hiểu của PV, tính đến nay, tỉnh Nghệ An đã cấp phép cho 30 mỏ đất đắp trong phạm vi gần với Dự án Cao tốc Bắc - Nam với trữ lượng 44,28 triệu khối. Trong đó có 16 giấy phép đủ điều kiện khai thác, với trữ lượng 24,5 triệu khối, còn lại 14 mỏ đã được cấp phép nhưng đang còn phải thực hiện thủ tục thuê đất…

Ngoài ra, hiện vẫn còn 18 mỏ chuẩn bị cấp phép, trong đó 16 mỏ đã được phê duyệt trữ lượng lên đến gần 30 triệu khối.

Riêng với Công ty TNHH Hòa Hiệp, ở huyện Nghi Lộc, có 2 mỏ ở Lèn Giơi, với trữ lượng 4 triệu khối. Đến giữa tháng 11/2022, đã có thêm 1 mỏ đủ điều kiện khai thác, 1 mỏ đang làm chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thuê đất. Phía cơ quan quản lý cho rằng "Nếu nhanh thì có thể tháng tới là có thể xong thủ tục".

Ông Nguyễn Công Lực - Phó Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, cho biết: Ngay từ khi Chính phủ có chủ trương, quy hoạch về dự án, Sở đã có động tác về hành chính là báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh từ đó thông qua các Nghị quyết để phục vụ dự án.

Trong quá trình làm các thủ tục cấp mỏ nói chung và các mỏ nằm trong phạm vi phục vụ Cao tốc Bắc – Nam, Sở đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp được cấp mỏ, sở niêm yết danh công khai danh sách cán bộ hướng dẫn; công khai các quy trình nội bộ; hướng dẫn một cách nhiệt tình, chu đáo.

Đối với đơn vị tư vấn, dù họ là đơn vị độc lập, nhưng sở cũng luôn đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ. Còn đối với các địa phương, các sở ngành khác, sở ngành cũng có rất nhiều văn bản con đôn đốc, hay có kiến nghị để đẩy nhanh hồ sơ, thủ tục.

Liên quan đến thông tin, vẫn phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những mỏ khoáng sản đấu giá quyền khai thác, ông Lực cho biết, sau khi báo chí phản ánh, tỉnh đã chỉ đạo và các sở ngành cũng đã cắt bỏ.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2022, đoàn công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư về làm việc. Sở có hỏi nội dung này thì đoàn yêu cầu vẫn phải tuân thủ các bước theo quy định của pháp luật, nên sau đó phải bổ sung.

Còn về nội dung bất nhất trong tên gọi đất khai thác khoáng sản và đất sản xuất vật liệu xây dựng, một cán bộ Phòng Tài nguyên khoáng sản cũng cho biết: Tháng 7/2022, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, sau đó bộ cũng có giải thích và hướng dẫn, sở cũng đã bổ sung hồ sơ văn bản điều chỉnh cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Lực cho biết thêm, để 1 mỏ đất có thể đưa vào khai thác, sử dụng, phải trải qua cả một bộ thủ tục với rất nhiều hồ sơ liên quan đến các sở, ngành khác nhau. Trong khi đó, nhiều quy định của mình thay đổi liên tục, chưa kể là chưa thống nhất.

Một cái khó hiện nay theo ông Lực là: Sau khi đấu giá quyền khai thác, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với chủ đất để đền bù, GPMB. Đây là quy định của pháp luật, nếu địa phương can thiệp vào là trái quy định, vi phạm pháp luật. Thế nhưng, để doanh nghiệp tự thỏa thuận thì phụ thuộc vào người đi thoả thuận và sự đồng hành của người dân. Nếu không, dự án mỏ sẻ có nguy cơ không triển khai được, đất không có để thác.

“Vì vậy, đối với những dự án trọng điểm của quốc gia, trung ương nên giao cho tỉnh tự quyết và có cơ chế bảo vệ những cách làm hay, hiệu quả, thiết thực”, ông Lực đề xuất.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp (nhà đầu tư đứng đầu liên danh), Phạm Đình Hạnh đề xuất, các bộ, ngành phải có một hướng dẫn cụ thể, thống nhất từ trên xuống để doanh nghiệp không phải chạy đi chạy lại bổ sung hồ sơ; các địa phương cũng không bị lúng túng khi hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không đảm bảo, dự án sẽ có nguy cơ chậm tiến độ.

 

Được biết, trong giai đoạn 2 của Dự án Cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ sẽ triển khai theo hướng căn cứ dự toán trữ lượng và quy hoạch mỏ của địa phương rồi sẽ giao mỏ cho chủ đầu tư dự án. Cách làm này vừa tiết giảm được kinh phí, vừa đẩy nhanh được tiến độ dự án.

Tuy nhiên, một số địa phương nằm trong dự án giai đoạn 2 cũng đang lo ngại khi hiện tại chưa có nhà thầu. Quy hoạch của các địa phương về mỏ vật liệu, chỉ mới là quy hoạch địa điểm còn việc khảo sát, đánh giá trữ lượng đòi hỏi cần nguồn vốn đầu tư. Các địa phương thì lúng túng về nguồn tiền này, không biết bên nào chi trả, sau này khi giao cho chủ đầu tư thì tính toán như thế nào?

(Theo Báo Giao thông)

Tin liên quan