Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

“Cấm cửa” nhà đầu tư yếu làm cao tốc Bắc - Nam
Thứ tư, ngày 18/04/2018



Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại các dự án cao tốc Bắc-Nam được nâng cao hơn so với quy định 5-10%. Điều này sẽ loại được các nhà đầu tư yếu năng lực tài chính tham gia.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: K.L

Nhà đầu tư yếu hết cửa

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đáng chú ý, trong Nghị quyết của Chính phủ có nhiều quy định siết chặt năng lực của các nhà đầu tư, nhất là năng lực về tài chính để loại bỏ những nhà đầu tư yếu kém tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, Nghị quyết của Chính phủ quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án phải đạt tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư dự án thay vì quy định hiện hành tại Nghị định 15/2015 chỉ từ 10 - 15%.

Trong nghị quyết về cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án quy định: “Nhà đầu tư sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”.

Bộ GTVT đã công bố danh mục dự án xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, 8 dự án được đầu tư theo hình đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 40.362 tỷ đồng), gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho rằng: Việc tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư theo Nghị quyết của Chính phủ đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là rất cần thiết. “Các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Việc nâng tỷ lệ vốn tối thiểu lên 20% sẽ đảm bảo cho dự án lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực tài chính, đồng thời, loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém tham gia vào dự án”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, pháp luật hiện hành quy định, sau khi dự án ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư đàm phán để ký hợp đồng tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn tín dụng, thậm chí có những dự án đã ký hợp đồng BOT từ 1 - 2 năm nhưng nhà đầu tư không vay được vốn ngân hàng khiến công trình bị chậm tiến độ hoàn thành như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bắc Giang - Lạng Sơn.

“Hiện nay, Chính phủ đã quy định trong thời gian 6 tháng, nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý. Quy định này buộc các nhà đầu tư phải làm việc trước với các tổ chức tín dụng, ngay khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư phải đàm phán ký hợp đồng tín dụng để đảm bảo các dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành đồng bộ vào năm 2021”, ông Huy nói.

Nhà đầu tư muốn tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phải đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án(Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ) - Ảnh: Tạ Tôn

Lợi nhuận cao phải có vốn chủ sở hữu lớn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn chia sẻ, quy định nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên tối thiểu 20% tổng mức đầu tư sẽ giúp các dự án cao tốc Bắc - Nam lựa chọn được những nhà đầu tư có tiềm năng tài chính thực sự.

“Tỷ suất lợi nhuận của các dự án cao tốc Bắc - Nam được dự báo cao hơn so với chính sách cũ nên việc nâng tỷ lệ vốn chủ hữu lên 20% là phù hợp. Anh muốn lợi nhuận cao, phải đánh đổi tỷ lệ vốn chủ sở hữu tăng lên. Chỉ có những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mới có thể tham gia vào dự án”, ông Thế phân tích và cho rằng, khi tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu chắc chắn công tác huy động vốn tín dụng cho dự án từ các ngân hàng thương mại sẽ dễ dàng hơn. Bởi, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lớn, đồng nghĩa vốn tín dụng cho dự án sẽ giảm xuống. Khi đó, việc trả nợ của nhà đầu tư cho ngân hàng sẽ dễ dàng hơn, quy định này sẽ hấp dẫn các tổ chức tín dụng để thu xếp cho nhà đầu tư vay vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam.

Liên quan đến quy định của Chính phủ về việc cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng khi nhà đầu tư không thu xếp được vốn tín dụng cho dự án trong thời hạn 6 tháng, ông Thế nói: “Thời gian 6 tháng là quá đủ để doanh nghiệp dự án, nhóm nhà đầu tư thu xếp vốn tín dụng cho dự án. Thực tế, với những nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực thực sự chỉ cần 2 - 3 tháng là hoàn thành công tác thu xếp vốn, còn những nhà đầu tư yếu quy định là 6 tháng, chứ có cho đến 6 năm cũng chưa chắc vay được vốn tín dụng”.

Ở chiều ngược lại, dù từng tham gia đầu tư nhiều dự án BOT giao thông như: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành thừa nhận, quy định nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên 20% là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp giao thông trong nước có nguy cơ đứng ngoài cuộc.

“Mỗi dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn rất lớn khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng, tính ra vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại mỗi dự án khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã bày tỏ lo ngại, nếu dự án BOT có quá 3 nhà đầu tư liên kết tham gia họ sẽ không chấp thuận cho vay vốn tín dụng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp giao thông sau khi cổ phần hóa, phần lớn vốn điều lệ đã được đem đi đầu tư vào các dự án khác, nên nguy cơ đứng ngoài cuộc ở cao tốc Bắc - Nam rất cao khi không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu”, ông Khôi nói và cho rằng, chỉ có doanh nghiệp lớn của nước ngoài hoặc những nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính dồi dào mới đủ khả năng để làm cao tốc Bắc - Nam.

“Chúng tôi chỉ hy vọng làm nhà thầu thi công, chưa dám nghĩ đến việc làm nhà đầu tư tại các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Khôi bộc bạch.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan