Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Bộ trưởng GTVT: Gấp rút xóa "điểm đen" TNGT trên đèo Lò Xo
Thứ sáu, ngày 07/09/2018



Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu, giải quyết sớm các “điểm đen” khu vực đèo Lò Xo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp.

Sáng nay (7/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về phương án cải tạo đèo Lò Xo. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trước diễn biến TNGT phức tạp tại đèo Lò Xo thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN cần rút kinh nghiệm, nghiên cứu lại những đoạn đường đèo cong, có nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng, cơ quan chức năng cần bổ sung biển bảng hướng dẫn trước khi vào đoạn lên, xuống dốc đèo Lò Xo. “Nội dung thông báo cho lái xe phải đầy đủ các thông tin như: Độ dốc bao nhiêu? Chiều dài độ dốc như thế nào? Bao nhiêu mét có trạm dừng nghỉ, vị trí cứu nạn?. Biển báo cũng cần thông báo rõ ràng về vận tốc được chạy trên từng đoạn tuyến, ví như: đoạn đường này được chạy vận tốc bao nhiêu? Từ đoạn đường được chạy 60km/h đến đoạn đường cho phép chạy 40Km/h có độ dài như thế nào?”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, để hạn chế rủi ro xảy ra đối với phương tiện, Tổng cục Đường bộ VN cần chủ trì rà soát những đoạn đường cong, không đảm bảo tốc độ thiết kế. Đoạn nào mở rộng được, bắt buộc phải mở rộng. Điểm nào có xuống dốc, phải bố trí gờ giảm tốc phù hợp; Đồng thời, thiết lập thêm đường cứu nạn/hộc cứu nạn, có thể nghiên cứu đến phương án sử dụng đèn năng lượng mặt trời hoặc đèn chớp đặt tại những vị trí nguy hiểm để tài xế nhận biết. Đặc biệt, tốc độ cho phép khai thác ở những đoạn đường cong phải được quy định phù hợp với đặc điểm của hạ tầng. “Không thể để tình trạng mặt đường thiết kế chạy 40km/h mà lại cho chạy 60km/h”, Bộ trưởng nói và cho rằng, những đoạn là “điểm đen” về TNGT cần bố trí hộ lan 3 tầng, những đoạn ít nguy hiểm hơn có thể lắp đặt hộ lan 2 tầng hoặc 1 tầng. Sơn phản quang dọc theo hộ lan mềm thay vì làm đứt đoạn cũng cần làm dày và to lên để khi tài xế chiếu đèn có thể nhận diện được khu vực nguy hiểm.   

Bộ trưởng cũng cho rằng, về lâu dài, cơ quan chức năng cần phối hợp đánh giá địa hình, hình thành trạm dừng nghỉ cho lái xe trên tuyến dường đèo Lò Xo. Cần khuyến cáo các tài xế xe đường trường, đặc biệt là các tài xế ngoại tỉnh, lạ đường nên dừng ít nhất một lần để có thể nắm bắt được cụ thể thông tin cung đường, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và mọi người.

Trước đó, tại cuộc họp, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đoạn tuyến đèo Lò Xo đường Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác năm 2004, kéo dài từ Km1394 - Km1436 đi qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam (13Km) và Kon Tum (29Km). Tuy lưu lượng xe thực tế trên tuyến không lớn nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

“Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ 1/2005 - 6/2018, trên tuyến xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người và gây hư hỏng các phương tiện tập trung chủ yếu tại 4 đoạn có độ dốc lớn (10%), dài liên tục (2-4,5Km): Km1408+800-Km1411+300; Km1418+250-Km1420+250; Km1421+900-Km1424+400; Km1427+500-Km1432”, ông Lăng nói.

“Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng 4 nhóm giải pháp tăng cường ATGT trên đoạn tuyến đèo Lò Xo, gồm: Tăng cường hệ thống ATGT; Sửa chữa, bổ sung kết cấu hạ tầng đường bộ; Tuyên truyền, phối hợp đảm bảo ATGT", ông Lăng nói.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan