Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Bộ GTVT thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng giao
Thứ sáu, ngày 29/09/2017



Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định như vậy tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2017 diễn ra hôm qua (28/9).

Tổng cục Đường bộ VN đang rà soát 54 dự án BOT và hết tháng 10 sẽ có kết quả báo cáo các dự án giảm giá vé (Trong ảnh: Trạm thu giá BOT Cai Lậy) - Ảnh: Hoàng Phương

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu tới đây phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án giao thông trọng điểm: Sân bay Tân Sơn Nhất, CHK Long Thành và cao tốc Bắc - Nam.

Vi phạm tiến độ, chất lượng, 14 nhà thầu bị phê bình

Thông tin về công tác đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 9 công trình, dự án, trong đó có các dự án trọng điểm như: Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm đường bộ qua Đèo Cả, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ, nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Đà Nẵng,... Đồng thời, Bộ GTVT cũng hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công 9 công trình, dự án khác.

“Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng CHK quốc tế Long Thành để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết thêm, Bộ GTVT đã tiến hành lựa chọn tư vấn nước ngoài xây dựng phương án mở rộng, lập điều chỉnh quy hoạch CHK Tân Sơn Nhất; lựa chọn tư vấn trong nước rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam,...

"Hoạt động của ngành GTVT trong 9 tháng đầu năm 2017 có rất nhiều nội dung quan trọng mà xã hội quan tâm. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần phải chia sẻ thông tin với tinh thần thẳng thắn, cởi mở và đầy đủ. Đặc biệt, là những lĩnh vực hiện nay đang khá “nóng” như các dự án BOT, thu phí, thu phí không dừng,… cần thông tin tới các cơ quan báo chí, thông qua đó xã hội và người dân chia sẻ với ngành GTVT."

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

Đề cập đến công tác quản lý chất lượng, tiến độ các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra hiện trường các dự án, đặc biệt là những công trình giao thông trọng điểm. Sau các đợt kiểm tra đã phát hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm tiến độ, chất lượng.

“Bộ GTVT đã phê bình 14 trường hợp, gồm 8 đơn vị tư vấn thiết kế, 2 tư vấn giám sát và 4 nhà thầu xây lắp do vi phạm tiến độ, chất lượng trong quá trình triển khai dự án”, ông Thành nói và dẫn chứng, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường bị phê bình do không huy động đủ thiết bị thi công tại dự án cầu Hưng Hà và dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; phê bình Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng (Bộ Quốc phòng) do hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chất lượng tại dự án đầu tư khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km 154+400 - Km 268.

“Bộ GTVT cũng phê bình liên danh tư vấn thiết kế gồm: Công ty Tân Phong, Công ty Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2, Công ty Hải Long và Công ty Hải Đăng đã không kịp thời khảo sát, cập nhật hiện trạng dự án để phục vụ công tác thiết kế bản vẽ thi công, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế nhiều hạng mục, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện dự án xây dựng QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”, ông Thành cho biết thêm.

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng các thứ trưởng chủ trì hội nghị - Ảnh: Tạ Tôn

Hết tháng 10, công bố các dự án BOT giảm giá vé

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng 9 tháng năm 2017, ước đạt 36.866 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch cả năm. “Bộ GTVT đã lập, trình quyết toán 78 dự án, hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 69 dự án và thực hiện giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại 35 trạm BOT”, Thứ trưởng Đông nói và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của ngành thời gian qua như: Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nhất là nguồn vốn TPCP và nguồn vốn kéo dài kế hoạch năm 2016; việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng khó khăn.

Thông tin cụ thể về công tác quyết toán công trình, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị, chủ đầu tư đã lập, trình quyết toán và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm tra cơ bản theo kế hoạch. Tuy nhiên, một số đơn vị, chủ yếu là Sở GTVT địa phương thực hiện công tác này còn chậm.

“Bộ GTVT đã có văn bản đôn đốc, nhưng hiện nay các Ban QLDA, chủ đầu tư ở địa phương đã chuyển về trực thuộc UBND tỉnh nên vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, công tác rà soát, kiểm tra quyết toán của các Ban QLDA đối với dự án BOT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán của bộ, các cục và các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Quốc nói.

Liên quan đến việc rà soát giảm giá vé tại các dự án BOT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay, đơn vị đã nhận được kết quả rà soát của 50 dự án, trong đó 20 dự án có đề xuất giảm giá vé. Hiện nay, Tổng cục đang thực hiện rà soát toàn bộ 54 dự án BOT đang khai thác và đã mời nhà đầu tư của các dự án đến để đàm phán.

“Qua đàm phán, đa số nhà đầu tư đều hợp tác, tuy nhiên có nhà đầu tư đàm phán từ 2-3 lần mới thành công. Việc đàm phán giảm giá vé căn cứ vào 3 điều kiện là lưu lượng phương tiện trên tuyến, thời gian thu phí không vượt quá 30 năm và phương án tài chính của dự án khả thi. Đến hết tháng 10, Tổng cục Đường bộ VN sẽ có kết quả báo cáo toàn bộ các dự án giảm giá vé”, ông Huyện nhấn mạnh.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá, 9 tháng đầu năm 2017, ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật so với kế hoạch xây dựng từ đầu năm. Đặc biệt, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của ngành được thực hiện hiệu quả. Việc trả lời, xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp tục được thực hiện tốt. Công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ vận tải được cải thiện. TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí.

“Các dự án trọng điểm của ngành như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, CHK Long Thành, mở rộng CHK Tân Sơn Nhất... được thực hiện với nỗ lực cao. Quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là các dự án BOT đảm bảo tiến độ. Các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được Bộ GTVT tổ chức thực hiện, triển khai kịp thời, được đánh giá là một trong số các bộ, ngành thực hiện tốt”, Bộ trưởng nói.

Để khắc phục một số tồn tại, hạn chế, phát huy kết quả đạt được, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2017, Bộ trưởng yêu cầu, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, toàn ngành phải tập trung cao độ để xây dựng hoàn thành 100% văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, kế hoạch của năm 2017 và hoàn thành đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, người đứng đầu ngành GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức trách và nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý ngành của Bộ GTVT theo luật định. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp và bãi bỏ những thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh,…

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình khi vào mùa khô để phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác các công trình, dự án theo tiến độ và hoàn tất các thủ tục để khởi công các dự án theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra hiện trường, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông thông suốt.

“Các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới và khẩn trương rà soát, đề xuất phương án mở rộng CHK Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hoàn thiện thủ tục để báo cáo Quốc hội về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dự án giải phóng mặt bằng CHK Long Thành”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói và chỉ đạo quyết liệt về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; tập trung xử lý tồn tại, bất cập tại các trạm thu giá BOT; công tác bảo đảm ATGT; công tác thông tin, truyền thông,…

Hoàn thành 75% kế hoạch trình văn bản quy phạm pháp luật

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Bộ GTVT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6/8 văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) và 3/4 đề án, đạt 75% kế hoạch. Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ GTVT đang tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật và cho ý kiến đối với một đề án do Bộ GTVT chủ trì trình. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện 5 dự thảo văn bản QPPL, 5 chiến lược, quy hoạch và đề án khác đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm được ban hành.

Bộ GTVT tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT trong các đợt cao điểm, các dịp nghỉ lễ, Tết. Công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được duy trì triển khai; đến nay đã có 28 thiết bị cân được lắp đặt tại trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ; 9 tháng năm 2017, đã kiểm tra 191.712 xe, phát hiện, xử lý 21.551 trường hợp vi phạm, tước 6.967 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 187 tỷ đồng. Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn tiếp tục được chú trọng, triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. TNGT 9 tháng tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016, cả nước xảy ra 14.362 vụ, làm chết 6.125 người, bị thương 11.786 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 1.049 vụ (giảm 6,81%), giảm 315 người chết (giảm 4,89%), giảm 1.687 người bị thương (giảm 12,52%).

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan