Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

Bất cập định mức chi phí quản lý dự án giao thông
Thứ hai, ngày 10/09/2018



Định mức chi phí quản lý dự án đối với công trình giao thông đang bộc lộ nhiều bất cập, gây cản trở, khó khăn cho các ban quản lý dự án (PMU) giao thông trong việc duy trì hoạt động...

Thi công mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Tạ Tôn

Đối mặt nhiều rủi ro, định mức lại thấp nhất

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, định mức chi phí quản lý các dự án giao thông đang được áp dụng theo quy định tại Quyết định 79 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 15/2/2017. Đáng chú ý, trong nhóm 5 loại công trình được Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí quản lý dự án tại quyết định này gồm: Công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật, định mức quản lý dự án của công trình giao thông được xếp vào loại thấp nhất.

Cụ thể, theo Quyết định 79/2017 của Bộ Xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án của mỗi loại công trình được chia ra làm 12 bậc, tỷ lệ nghịch với chi phí xây dựng và thiết bị của dự án. Tức là, giá trị chi phí xây dựng và thiết bị càng tăng, định mức chi phí quản lý dự án sẽ càng giảm. Tuy nhiên, khi tham chiếu cùng giá trị chi phí xây dựng và thiết bị, định mức chi phí quản lý của loại công trình giao thông lại thấp hơn nhiều so với định mức chi phí quản lý dự án của các loại công trình khác.

Điển hình, khi chi phí xây dựng và thiết bị của công trình ở mức 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ định mức quản lý dự án của công trình dân dụng là 1,18%, công trình công nghiệp (1,242%), công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (1,118%) và công trình giao thông là 1,056%. Tương tự, khi chi phí xây dựng và chi phí thiết bị ở mức 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ định mức chi phí quản lý dự án của các loại được tính như sau: Công trình dân dụng (0,486%), công trình công nghiệp (0,512%), công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (0,461%) và công trình giao thông là 0,435%…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh cho biết, chỉ cần xét về mặt định tính đã thấy rõ bất cập về chi phí quản lý dự án giao thông với công trình dân dụng, công trình công nghiệp. Cùng một dự án có giá trị xây lắp khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng khối lượng công việc của dự án giao thông rất lớn, công địa dự án trải dài hàng chục cây số và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nhất là những dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi các dự án xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp, địa bàn công trình thường chỉ tập trung tại một khu vực, điều kiện đi lại thuận tiện, thậm chí địa bàn dự án chỉ là một khu chung cư.

Ông Hoàng nói và đánh giá, định mức chi phí quản lý dự án đối với loại công trình giao thông hiện thuộc loại thấp nhất so với các lĩnh vực khác.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc PMU2 khẳng định: “Định mức quản lý dự án giao thông còn nhiều bất cập, cần sớm điều chỉnh. Trước đây, các PMU giao thông duy trì bộ máy hoạt động được vì có nhiều dự án gối đầu. Đến nay, khi nguồn công việc khó khăn, dự án gối đầu ít dần, định mức chi phí quản lý dự án thấp đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì bộ máy hoạt động của các PMU giao thông. Dự án nào thời gian kết thúc sớm mới đủ, còn dự án nào phải kéo dài do các nguyên nhân khách quan như vướng GPMB, chậm vốn, thì chi phí quản lý dự án không đủ bù đắp chi phí hoạt động bộ máy”.

 
Đề xuất tăng thêm 20 - 30%, tách riêng chi phí chuẩn bị đầu tư

Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch (PMU6) cho biết, từ năm 2009 đến nay, quy định về định mức chi phí quản lý dự án đã được Bộ Xây dựng điều chỉnh, sửa đổi, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một dự án giao thông từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành quyết toán thường kéo dài 3 - 5 năm, còn dự án quy mô lớn phải trên 5 năm.

“Nếu một PMU chỉ thực hiện quản lý một dự án, theo thống kê của chúng tôi sẽ không đủ chi phí để duy trì bộ máy hoạt động vì định mức quá thấp”, ông Thịnh nói và dẫn chứng, dự án QL1 đoạn qua Quảng Bình (TMĐT khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) do PMU6 thực hiện quản lý dự án vận hành từ năm 2012 đến nay vẫn phải bố trí nhiều phòng, ban để duy trì hoạt động phục vụ công tác kiểm tra hiện trường, quyết toán,… trong khi chi phí quản lý dự án tính theo quy định của Bộ Xây dựng được khoảng 8 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

“Với định mức chi phí quản lý dự án giao thông thấp như hiện nay, một ban chỉ thực hiện quản lý một dự án sẽ không thể bù đắp chi phí”, ông Thịnh chia sẻ và đề xuất, cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh tăng định mức chi phí quản lý dự án đối với loại công trình giao thông.

Theo lãnh đạo PMU đường Hồ Chí Minh, sắp tới, ngành GTVT triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam, cần thiết phải có một lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ. Tuy nhiên, nếu chi phí quản lý dự án không được Bộ Xây dựng điều chỉnh, nhiều PMU giao thông sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì bộ máy hoạt động. Trường hợp được Bộ GTVT giao quản lý hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm, chiếu theo quy định hiện hành của Bộ Xây dựng, chi phí quản lý dự án của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được khoảng hơn 40 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành quyết toán dự án khoảng 4 năm.

“Mỗi năm bình quân chí phí quản lý dự án được khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong khi chi phí để duy trì hoạt động của bộ máy khoảng hơn 30 tỷ đồng/năm. Cùng với việc tinh giản bộ máy, tìm kiếm thêm công ăn việc làm, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh tăng định mức chi phí quản lý dự án để các PMU duy trì hoạt động, đảm bảo hiệu quả công việc”, đại diện PMU đường Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Sơn cũng khẳng định: “Để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, định mức chi phí quản lý dự án giao thông hiện nay cần tăng thêm ít nhất 20 - 30% so với quy định của Quyết định 79/2017. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần tách riêng chi phí chuẩn bị đầu tư dự án để các PMU dễ thực hiện. 

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu chỉnh sửa định mức

Chiều qua (9/9), trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), đơn vị chủ trì nghiên cứu xây dựng Quyết định 79/2017 của Bộ Xây dựng cho biết, định mức chi phí quản lý dự án của các loại công trình được xây dựng trên các yếu tố về quy mô chi phí xây dựng, thiết bị; tính chất kỹ thuật, mỹ thuật và thời gian quản lý dự án. “Đối với loại công trình giao thông, các dự án thường có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật, mỹ thuật được xếp ở nhóm không phức tạp bằng loại công trình dân dụng, công trình công nghiệp, thời gian thực hiện dự án cũng nhanh nên tỷ lệ chi phí quản lý dự án ở mức thấp hơn so với các loại công trình khác”, ông Cư nói.

Tuy nhiên, ông Cư cho biết, các PMU hiện nay được tổ chức theo quy định của Luật Xây dựng 2014 là các ban QLDA chuyên ngành, khu vực. Một số ban QLDA thừa việc, nhiều ban QLDA lại thiếu việc, trong đó các ban QLDA thuộc Bộ GTVT hầu hết đều đang thiếu việc làm. Thực tế, Bộ Xây dựng đã nhận thấy những bất cập cập này. “Chúng tôi đang nghiên cứu để báo cáo Bộ Xây dựng điều chỉnh lại định mức chí phí quản lý dự án, trong đó có định mức của loại công trình giao thông để khắc phục những bất cập, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn”, ông Cư chia sẻ.

Theo Báo Giao thông  

Tin liên quan