Bộ giao thông vận tải

Cục Quản lý đầu tư xây dựng

Transport Construction Investment Management Authority

9 dự án BOT xuống cấp vẫn “tắc” vốn bảo trì
Thứ năm, ngày 01/04/2021



Những vướng mắc về cơ chế chính sách chậm được tháo gỡ khiến 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chưa thể cấp vốn để bảo trì.

Tuyến tránh TP Thanh Hóa bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Phúc Tuấn

Những vướng mắc về cơ chế chính sách chậm được tháo gỡ, thậm chí vẫn còn những cách hiểu khác nhau giữa “bảo quản” và “bảo trì” khiến 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chưa thể cấp vốn để bảo trì.

Đường xuống cấp, tai nạn rình rập

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên tuyến QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa những ngày gần đây xuất hiện nhiều vết cào bóc, trám vá tạm thời từ những ổ voi, ổ gà, “sống trâu” hằn lún.

Đoạn đường xuống cấp nhiều nhất từ nút giao vòng xuyến BigC (thuộc địa phận phường Đông Hải) đến điểm cuối giao với QL1 và đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa. Không chỉ mặt đường hư hỏng, mặt các cây cầu Đông Hải, cầu vượt QL47 khe co giãn cũng bị hư hỏng, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hàng ngày trên tuyến đường này có hơn 30.000 lượt phương tiện qua lại. Đoạn tuyến xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. “Tỉnh Thanh Hóa nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý đường sửa chữa nhưng đến nay vẫn tồn tại”, ông Linh nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa cho rằng, hiện chưa có hành lang pháp lý tạm dừng thu phí các dự án BOT.

Nhà nước cũng không thể ghi vốn bảo trì vì dự án chưa chuyển giao cho Nhà nước. Vài năm đầu, doanh nghiệp cố gắng bảo dưỡng thường xuyên, còn sửa chữa cần nguồn vốn lớn nên doanh nghiệp không thực hiện được.

Tương tự, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư & Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/4, doanh nghiệp sẽ dừng bảo trì dự án vì không có kinh phí. Kinh phí bảo trì theo thu phí dự án nên khi tạm dừng thu phí nguồn vốn này cũng dừng theo.

“Từ thời điểm dừng thu phí đến nay, doanh nghiệp phải đi vay hơn 10 tỷ đồng để bảo trì. Khi dừng thu phí, ngân hàng không cho vay tiền nữa, doanh nghiệp cũng đã hết lực”, ông Vinh nói.

Ngoài 2 dự án trên, 7 dự án khác đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số này, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh, QL1K đoạn Km 2+478 - Km 12+971 và QL1 đoạn tránh Cai Lậy.

Một dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là QL91 đoạn Km14 - Km 50+889. Hai dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là QL20 đoạn qua các thị trấn và QL1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Bảo quản có được bảo trì?

Những vướng mắc về cơ chế bảo trì các dự án BOT bị dừng thu phí này đã được đề cập trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều tranh cãi, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi các tuyến đường đang có nguy cơ ngày càng xuống cấp.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong số 9 dự án trên có 2 dự án là BOT cầu Đồng Nai và QL1K Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận bảo trì, nhưng vấn đề lớn nhất là kinh phí.

Theo ông Cường, hiện đang có cách hiểu khác nhau giữa hai khái niệm bảo quản và bảo trì. Nếu “chẻ” câu chữ, nhiều ý kiến cho rằng bảo quản không phải là bảo trì nên khó thực hiện, đây cũng là vấn đề vướng nhất hiện nay. Tổng cục đã tham mưu theo hướng tiếp nhận lại các dự án và vận dụng Điều 6, Điều 30, Điều 31 Nghị định 29 để bố trí vốn bảo trì.

Ông Cường cho rằng, khái niệm bảo quản có phạm vi rộng, dành cho tài sản nói chung, nghĩa là một tài sản nào đó được tịch thu cho Nhà nước thì bảo quản gồm bảo vệ, trông coi. Bảo quản tài sản đường bộ có phạm vi hẹp hơn nên phải hiểu theo cách bao gồm cả bảo trì.

Phạm vi bảo trì gồm có sửa chữa thường xuyên, sửa chữa đột xuất, sửa chữa định kỳ. Nếu không sửa chữa được định kỳ thì ít nhất cũng phải thực hiện sửa chữa thường xuyên và sửa chữa đột xuất. Đây là nội dung tối thiểu phải làm để đảm bảo an toàn tuyến đường.

“Giữa bảo quản và bảo trì có liên quan đến nhau nhưng nếu hiểu máy móc thì có người lại cho rằng bảo quản không phải là bảo trì. Hiểu bảo quản không phải là bảo trì là cách hiểu máy móc, nhưng nếu hiểu rộng hơn thì trong bảo quản có bảo trì, không chỉ đường bộ mà cả đối với các chuyên ngành khác. Tuy nhiên, hiện không có văn bản nào quy định bảo quản đối với ngành đường bộ bao gồm cả bảo trì”, ông Cường nói.

Trái ngược quan điểm trên, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông lại cho rằng, không thể hiểu bảo quản bao gồm cả việc bảo trì.

Lấy ví dụ về khái niệm bảo quản, ông Minh cho biết, các phà sau khi được thay thế bằng cầu, không dùng đến phà nữa thì bố trí nguồn kinh phí để trông coi, tránh mất mát chứ không có sửa chữa hay làm gì khác. Bảo quản và bảo trì là hai khái niệm có nội hàm khác nhau.

Trước mắt, Bộ GTVT đã có văn bản giao Tổng cục Đường bộ VN thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản các dự án theo đúng quy định.

“Theo quy định thì có nguồn vốn dành cho bảo quản, còn bảo trì phải sau khi tài sản đó xác lập dược quyền sở hữu toàn dân. Nếu có tiền bảo trì ngay và có khung pháp lý đầy đủ thì không cần phải báo cáo Thủ tướng. Hiện, Bộ GTVT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng sửa Nghị định 29 để quy định rõ giai đoạn chuyển tài sản của nhà đầu tư sang cho Nhà nước”, ông Minh cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài chính và đã báo cáo Thủ tướng xin được dùng nguồn vốn kinh tế sự nghiệp đường bộ để làm công tác bảo trì trong quá trình chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn nội dung này.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan